Mật ngọt chết gì?
Nhiều người sẽ nói ngay: "Ai còn lạ chiêu mật ngọt chết ruồi! Nịnh hót cho người ta lên mây xanh, người thông minh không cắn câu đâu".
Đã đành những lời nịnh hót vụng về rỗng tuếch, vụ lợi, đầu môi chót lưỡi chỉ lừa được những người kém cỏi. Nhưng, cũng phải thừa nhận sự thật là ai cũng thích lời ngọt ngào. Vậy lời khen tặng và thói nịnh hót khác nhau ở chỗ nào?
Dale Carnegie - tác giả "Đắc nhân tâm" cho rằng điểm khác biệt chính ở chỗ một đằng thành thật tự đáy lòng, phát ra chân thành, vô vụ lợi; còn đằng kia giả dối có mục đích, nhắm quyền lợi đạt được sau câu nói. Nhận lời khen tặng chân thành, chắc chắn ai cũng hài lòng; nghe câu phỉnh phờ sống sượng, nói ra hay không thì trong bụng người ta cũng sẽ khinh khi.
Giỏi không bằng duyên
Nhân viên A rất giỏi giang thẳng thắn đưa ra một loạt chất vấn: "Tại sao tôi đã làm được 3 năm mà công ty không tăng lương? Tất cả các kế hoạch mà tôi phụ trách đều thành công xuất sắc. Tôi thậm chí còn không nghỉ phép năm. Cả cuộc sống của tôi đã đặt vào công ty, vậy công ty cũng có trách nhiệm lo lắng cho người lao động chứ…?"
Nghe xong, sếp bình thản hỏi: "Em đã làm ba năm, giờ muốn thăng chức, hay muốn nghỉ, chỉ cần giúp công ty một nhiệm vụ đơn giản cuối cùng này được không? Hãy check lịch họp của đoàn khách bên công ty Z tuần tới sẽ sang họp với công ty ta".
Nhân viên A hậm hực đi gọi điện, và báo cáo: "Thưa sếp, thứ 2 tuần tới họ sẽ tới". Sếp cảm ơn rồi hỏi thêm: "Họ sẽ tới bằng gì? Đi bao nhiêu người? Có yêu cầu đặc biệt gì không?" Nhân viên A trả lời: "Em không biết ạ. Những điều này sếp không bảo em hỏi".
Sếp gọi điện thoại sang phòng bên bảo nhân viên B sang phòng mình, giao cùng một nhiệm vụ như A. Mười phút sau, B đã báo cáo đầy đủ: "Thưa sếp, thứ hai tuần tới khách sẽ đến. Họ sang 4 người, anh C là trưởng đoàn. Khách có 2 ngày liền để họp với chúng ta bàn các nội dung chi tiết và sẽ trở về nước vào sáng thứ 4. Sếp có muốn em đặt sẵn phòng bên khách sạn D gần công ty ta để khách tiện dự họp không?"
Cuộc hội thoại không lọt ra ngoài đôi tai của A vẫn đang được sếp giữ lại trong phòng để hỏi han, lắng nghe tâm sự thêm những gì A đang bức xúc. Vậy bạn muốn giỏi như A hay duyên như B?
Bí quyết trở thành "con cưng"
Một số nhà tuyển dụng nổi tiếng cho rằng có tới mười loại người không bao giờ có được lương cao, cũng không đáng để bồi dưỡng: Người muốn nghỉ cả thứ bảy và chủ nhật; Người muốn đi làm lúc chín giờ sáng và tan làm lúc năm giờ chiều; Người muốn sống dựa vào lương cơ bản; Người không có chí tiến thủ; Người không có tư duy chạy đua với thời gian; Người làm việc gì cũng chậm chạp; Người không có nhân phẩm; Người không dám chịu trách nhiệm; Người luôn cảm thấy sản phẩm của mình quá đắt; Người luôn trách móc công ty.
Bởi vậy, có lời khuyên hãy giữ gìn 7 nguyên tắc sau, bạn chắc chắn sẽ trở thành "con cưng" của sếp:
– Nguyên tắc 1: Công việc không nuôi người nhàn hạ, tập thể không nuôi những kẻ lười.
– Nguyên tắc 2: Vào một đơn vị làm việc, đừng chỉ chăm chăm kiếm tiền, trước tiên hãy học sao cho mình đáng tiền.
– Nguyên tắc 3: Không có ngành nào là dễ kiếm tiền cả.
– Nguyên tắc 4: Làm việc, không có nơi nào là thuận lợi cả, ức chế bực dọc là chuyện bình thường.
– Nguyên tắc 5:
+ Không kiếm được tiền, thì kiếm được kiến thức.
+ Không kiếm được kiến thức thì kiếm được kinh nghiệm.
+ Không kiếm được kinh nghiệm, thì kiếm được trải nghiệm.
+ Khi kiếm được những thứ trên rồi, thì không sợ không kiếm được tiền.
– Nguyên tắc 6: Chỉ khi thay đổi thái độ của bản thân, ta mới có thể thay đổi được chỗ đứng của mình trong xã hội và mới có được vị trí cao trong nghề nghiệp.
– Nguyên tắc 7: Nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy mơ hồ chỉ có một. Đó chính là trong những năm tháng mà đáng ra ta nên phấn đấu, nên làm việc chăm chỉ thì ta lại nghĩ quá nhiều, nhưng lại làm quá ít!
Bình luận (0)