“Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở vẫn chưa đồng đều, nhìn chung chỉ chuyển biến mạnh ở các doanh nghiệp (DN) nhà nước. Trong khi đó, tại rất nhiều nơi, chủ DN chưa quan tâm, dẫn đến các cuộc đối thoại còn hình thức, chưa chuyên sâu”. Ông Nguyễn Bảo Cường, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, đánh giá như vậy tại buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, giải pháp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức sáng 5-10.
Người đại diện phải đúng nghĩa
TP HCM hiện có khoảng 136.600 DN đang hoạt động với hơn 2,5 triệu người lao động và hơn 412.000 cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp thu hút hơn 700.000 lao động. Bên cạnh đó, TP cũng có hơn 5.500 cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng lao động nước ngoài với hơn 19.700 lao động nước ngoài hợp pháp trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP, từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2016, có khoảng 12.800/15.700 DN có Công đoàn (CĐ) cơ sở đã xây dựng quy chế đối thoại định kỳ (chiếm 81,5%). Riêng 9 tháng đầu năm 2016, có hơn 7.600 DN tổ chức đối thoại định kỳ. Các vụ tranh chấp, ngừng việc có xu hướng giảm khi đến tháng 9-2016, toàn TP chỉ xảy ra 45 vụ tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc (năm 2015 có 85 vụ).
Bà Dương Thị Thu, Phó Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Liksin, nêu các vướng mắc khi thực hiện đối thoại định kỳ
Tuy nhiên, nhiều đại biểu có chung nhận định: Tuy tỉ lệ DN tổ chức đối thoại định kỳ khá cao song chất lượng chưa như mong muốn. Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP, nhiều chủ DN viện lý do bận sản xuất kinh doanh nên không tham gia thực hiện mà giao hết cho bộ phận nhân sự. “Mà bộ phận nhân sự nhiều nơi cũng ầu ơ ví dầu, có chỗ không muốn làm, có chỗ muốn làm nhưng không biết cách, sau cùng đẩy hết cho CĐ. Gặp anh chủ tịch CĐ nào cứng thì đỡ, anh nào yếu thì chịu” - ông Lê Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thì - Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức, TP HCM - cho biết nhiều nơi thực hiện đối thoại, hội nghị người lao động quá sơ sài. Ở đây có trách nhiệm của chủ DN là không quan tâm còn tổ chức đại diện người lao động thiếu kỹ năng. Ông Thì phàn nàn: “Đối thoại nhưng không có chương trình, vấn đề cốt yếu cụ thể, người đại diện thì lựa mấy anh bảo vệ, kế toán hay ai đó tạm thời rảnh rỗi để đi đối thoại thì ra được cái gì? Có trường hợp mới đối thoại tuần trước, tuần sau đã phát sinh tranh chấp, đình công là vì vậy”.
Không nên cứng nhắc
Bên cạnh đó, việc đối thoại định kỳ hiện nay theo quy định cứ 3 tháng một lần, nhiều đại biểu cho là còn cứng nhắc. Các DN khác nhau có đặc thù ngành nghề, lao động khác nhau nên cũng cần một lịch trình đối thoại phù hợp và linh hoạt. Bà Dương Thị Thu, Phó Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Liksin, nêu thực tế: Việc đối thoại định kỳ hiện nay khá nhặt, cứ 3 tháng một lần nên người lao động cứ đòi quyền lợi liên tục nhưng lắt nhắt. Vì vậy, nên giãn thời gian đối thoại ra thêm cho phù hợp với đặc thù của từng DN.
Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Quảng, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận 7, việc đặt ra định kỳ 3 tháng một lần có phần gò ép. Có DN cho rằng 3 tháng là gần quá nhưng cũng có nhiều trường hợp khác khi quan hệ lao động xấu đi, ý kiến bức xúc đầu kỳ mà đợi đến cuối kỳ mới đối thoại thì làm sao giải quyết kịp thời? “Bức xúc dồn nén thì bùng phát tranh chấp. Cần phải linh hoạt hơn. Trong thực tế, đối thoại và hội nghị người lao động chỉ là 2 hình thức chính. Ngoài ra các DN có rất nhiều hình thức trao đổi thông tin khác, không cần thiết cứ phải làm định kỳ như vậy vì trong quy trình làm việc của họ đã có sẵn các kênh khác để đối thoại và trao đổi thông tin” - ông Quảng nhận xét
Ông Lê Văn Hòa, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, cho biết vừa qua trong buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP do Ban Dân vận trung ương tổ chức tại TP HCM, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều điều mục trong nghị định cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi trong thực tế. “Một số điều khoản trong nghị định còn chung chung, cần phải được quy định rõ hơn mới bảo đảm được tính khả thi trong thực tế. Đơn cử như quy định về việc công khai minh bạch cũng cần quy định rõ công khai cái gì, phạm vi đến đâu? Cái nào là bí mật kinh doanh… Bên cạnh đó, việc quy định cứ 3 tháng một lần hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung sao cho linh hoạt hơn, kịp thời giải quyết thắc mắc của người lao động” - ông Hòa đề xuất.
Cần thiện chí của hai phía
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng để đối thoại thực chất, cần trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức cho cả cán bộ CĐ và người lao động cũng như tuyên truyền cho DN hiểu tầm quan trọng của đối thoại. Khi đối thoại cần chọn và đề cử người đại diện đúng nghĩa, có hiểu biết chính sách pháp luật, am hiểu tình hình hoạt động của DN, có kỹ năng thương lượng và có uy tín với DN thì đối thoại mới thực chất. “Nếu chọn người lơ mơ thì không biết gì để đối thoại, thành ra không đi đến đâu” - một đại biểu nhận xét.
Còn theo ông Lê Anh Tuấn, điều quan trọng của vấn đề là cần giáo dục, tuyên truyền đến cả hai phía: người lao động cần gắn bó, chia sẻ với DN và ngược lại DN phải xem người lao động là vốn quý thì mới trân trọng. Khi hai bên có thiện chí thì việc đối thoại mới thành công.
Bình luận (0)