Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các chính sách về lao động phải được doanh nghiệp (DN) tuân thủ đầy đủ. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho tổ chức Công đoàn (CĐ) trong thực hiện vai trò đại diện của mình.
Hợp tác
“Nếu biết cách tạo dựng uy tín bằng những việc làm thiết thực, vì việc làm, đời sống của người lao động (NLĐ), tôi tin sẽ không khó thu hút NLĐ đến với CĐ” - ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch CĐ Công ty Toàn Thắng (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), bày tỏ.
Những chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ lao động tại Công ty Toàn Thắng trong thời gian qua khẳng định sự tự tin của ông Giai là có cơ sở. Cách đây không lâu, quan hệ lao động tại công ty có nhiều bất ổn do cơ chế quản lý, điều hành manh mún, nhất là chính sách chăm lo cho NLĐ chưa thỏa đáng. Sau những va vấp, CĐ cơ sở chủ động xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với ban giám đốc nhằm hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ lao động.
Hiểu được thiện ý của CĐ, không chỉ tạo điều kiện cho CĐ cơ sở thực hiện tốt vai trò cầu nối, ban giám đốc còn chủ động cùng CĐ cơ sở giải quyết bức xúc của NLĐ. Những kiến nghị hợp lý, hợp tình của CĐ nhằm cải thiện đời sống NLĐ đều được quan tâm giải quyết. Nhờ vậy, Công ty Toàn Thắng từng bước trở thành điển hình chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. “Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ CĐ chính là nhân tố góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN” - ông Trương Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Toàn Thắng, khẳng định.
Tại Công ty Mach Knit Vina (100% vốn Hàn Quốc; huyện Bình Chánh, TP HCM), chủ trương đeo bám đời sống công nhân (CN) để kịp thời đề xuất DN hóa giải bức xúc cũng đã giúp CĐ cơ sở tạo dựng uy tín với đoàn viên. Ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch CĐ công ty, chia sẻ: “Khi viết đơn gia nhập CĐ, CN thường đặt câu hỏi CĐ sẽ làm được gì cho họ? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi cố gắng làm thật tốt vai trò của mình để CN thấy rằng CĐ chính là người đại diện, bảo vệ và chăm lo cho họ”.
Ứng xử có trách nhiệm
Trong xu thế hội nhập, DN muốn tồn tại và phát triển, một trong những yếu tố quan trọng là phải xây dựng cho được mối quan hệ lao động ổn định; hài hòa lợi ích của các bên. Về vấn đề này, ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM), nhìn nhận: “Việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về lao động là trách nhiệm của DN nên ít có khả năng xảy ra tranh chấp về quyền. Tuy nhiên, nếu phát sinh tranh chấp về lợi ích thì đối thoại là giải pháp tốt nhất để hóa giải các mâu thuẫn. Muốn vậy cả DN lẫn CĐ cần có những người đại diện có bản lĩnh, trình độ và lợi ích của NLĐ cùng sự ổn định của DN phải là điều kiện tiên quyết khi đặt lên bàn thương lượng”.
Hợp tác và đối thoại thường xuyên với NLĐ và CĐ cơ sở cũng đã giúp ban giám đốc Công ty Kwang Viet (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi, TP HCM) giải quyết căn cơ những bất ổn trong quan hệ lao động. “Trước đây, mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng giữa các bên đã giúp ổn định quan hệ lao động thì sắp tới, điều đó càng phải được đề cao. Nếu một trong 2 bên không có thiện chí thì không bao giờ hóa giải được mâu thuẫn. Chúng tôi luôn quan niệm rằng DN có phát triển, lớn mạnh thì việc làm, thu nhập của NLĐ mới được chăm lo đầy đủ. Chính vì vậy, ở Kwang Viet, chúng tôi giải quyết mọi vấn đề đều trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của nhau; không bên nào đòi hỏi quá đáng, chỉ chăm chăm quyền lợi của mình” - ông Trần Văn Hên, Chủ tịch CĐ Công ty Kwang Viet, cho biết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-12
Bình luận (0)