Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 15 đã khai mạc sáng 8-12 tại Hà Nội. Hội nghị tập trung góp ý nhiều dự thảo quan trọng, như: báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn (CĐ) năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016; tờ trình về việc phát triển đoàn viên và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ cơ sở; tờ trình về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 6a/NQ-TLĐ...
Góp phần chăm lo đời sống CNVC-LĐ
Báo cáo hoạt động CĐ năm 2015 do ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trình bày đã khẳng định những kết quả nổi bật của các cấp CĐ trong thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động (NLĐ). Trong đó, việc tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia xây dựng tiền lương tối thiểu tuy gặp khó khăn nhưng đã thu được kết quả khả quan. Đội ngũ cán bộ CĐ bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, nhất là về những vấn đề nhạy cảm như: lương, thưởng, chế độ chính sách và chủ động phối hợp giải quyết rốt ráo.
Về hoạt động xã hội, tổng kết 10 năm thực hiện chương trình “Mái ấm CĐ”, cả hệ thống CĐ đã đóng góp được 2.229,4 tỉ đồng, hỗ trợ 32.957 gia đình đoàn viên xây mới hoặc sửa chữa nhà ở với số tiền 701 tỉ đồng. Trong dịp Tết Ất Mùi, các cấp CĐ đã chăm lo cho trên 1,48 triệu đoàn viên, CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1.300 tỉ đồng; hỗ trợ trên 87.000 vé tàu, xe cho công nhân về quê ăn Tết với tổng số tiền 41,7 tỉ đồng...
Dù vậy, đời sống, việc làm của công nhân lao động vẫn chưa chuyển biến nhiều. Thu nhập của NLĐ bình quân chỉ đạt 4,46 triệu đồng/tháng, vẫn còn 18,5% lao động có mức thu nhập dưới 2,7 triệu đồng/tháng. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động chuyển biến rất chậm và còn nhiều bất cập, mới chỉ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 20% lao động ở KCN. Đặc biệt, tranh chấp lao động có dấu hiệu tăng khi cả nước có 309 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 139 cuộc so với năm 2014.
Tập trung thực hiện chức năng đại diện
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đoàn viên cho thấy đến nay, cả nước có 8.841.751 đoàn viên và 120.731 CĐ cơ sở. Trong khi đó, chỉ tiêu của Đại hội XI CĐ Việt Nam là phấn đấu đến năm 2018, cả nước có 10 triệu đoàn viên; thành lập CĐ cơ sở ở 90% đơn vị, doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên.
“Nửa nhiệm kỳ còn lại, nhiệm vụ phát triển đoàn viên, xây dựng CĐ cơ sở rất nặng nề; đòi hỏi các cấp CĐ cả nước phải nỗ lực vượt bậc thì mới hoàn thành được chỉ tiêu, kế hoạch” - ông Trần Thanh Hải lưu ý.
Góp ý cho công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐ cơ sở, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ ở một số nơi, CĐ cơ sở chưa nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của CN; ngừng việc tập thể xảy ra còn nhiều nhưng hầu hết không do CĐ tổ chức, lãnh đạo. Nội dung, phương thức hoạt động của CĐ cơ sở chậm đổi mới, còn nhiều nội dung hoạt động chưa thiết thực. Phương thức chỉ đạo của CĐ cấp trên đối với CĐ cấp dưới còn nặng tính hành chính, dàn trải về nội dung; thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi tổ chức CĐ phải thay đổi tận gốc phương thức hoạt động thì mới bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích của NLĐ.
“Cán bộ CĐ phải thực sự là những thủ lĩnh của NLĐ, phải hiểu được NLĐ muốn gì và phải đấu tranh bảo vệ cho được quyền lợi chính đáng của NLĐ. Làm được điều này, dù có một tổ chức đại diện nào ra đời đi chăng nữa nhưng nếu NLĐ thấy rằng tổ chức CĐ Việt Nam bảo vệ tốt quyền lợi cho họ thì nhất định họ sẽ tham gia tổ chức CĐ của chúng ta” - ông Tùng nhấn mạnh.
Bày tỏ trăn trở trước những thách thức đối với tổ chức CĐ khi Việt Nam gia nhập TPP, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Nguyễn Thị Thu cho rằng việc phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ sẽ có nhiều khó khăn. “Đoàn chủ tịch cần nhận diện rõ những thách thức này và tìm giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ - những người gánh trên vai trọng trách đại diện” - bà Thu góp ý.
(Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-12)
Giám sát bữa ăn giữa ca của công nhân
Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết kỳ họp Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7 tới đây sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm bữa ăn tối thiểu là 15.000 đồng. Từ năm 2016 trở đi, nếu doanh nghiệp để công nhân bị ngộ độc thực phẩm do bữa ăn giữa ca thì tổ chức CĐ sẽ kiện giám đốc doanh nghiệp đó ra tòa.
Đồng tình với ý kiến này, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị trong năm 2016, các cấp CĐ cần tập trung phối hợp với các bộ, ngành để giám sát bữa ăn tập thể của công nhân nhằm chăm lo sức khỏe cho NLĐ bởi tình trạng mất an toàn thực phẩm đang rất báo động.
Bình luận (0)