Hội thảo do Đại sứ quán Thụy Điển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) phối hợp tổ chức chiều 23-2 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo "Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp như thế nào cho tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch" tổ chức chiều 23-2 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Các trao đổi tại hội thảo hướng tới truyền cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp địa phương tăng cường đối thoại tại nơi làm việc, thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng kinh nghiệm thực tiễn của Thụy Điển, đặc biệt từ các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.
Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe nhấn mạnh ''Làn sóng Covid-19 thứ tư đổ bộ vào Việt Nam vào tháng 5 năm 2021 đã kéo theo những thách thức lớn đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam: Thiếu lao động, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cũng như làm bộc lộ những thách thức về kinh tế và xã hội. Đại dịch cũng cho thấy sự cần thiết phải cân nhắc về cách thức kinh doanh để chúng ta triển khai làm việc đó theo cách bền vững hơn''.
Đại sứ Måwe cho biết ''Theo quan điểm của chúng tôi, đối thoại tại nơi làm việc là yếu tố then chốt cho một nền kinh tế thị trường vận hành tốt, thúc đẩy một xã hội gắn kết hơn, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kinh doanh bền vững. Người lao động có thêm ảnh hưởng và đạt được điều kiện làm việc tốt hơn; các công ty hưởng lợi nhờ việc tăng năng suất; và cả xã hội hưởng lợi từ sự ổn định chung xã hội''.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe phát biểu khai mạc,
Đối thoại tại nơi làm việc hiện đang là chủ đề nóng. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam. EVFTA bao gồm một chương lấy tính bền vững làm cốt lõi tổng hòa cả nghĩa vụ về môi trường cũng như các khía cạnh liên quan đến yêu cầu đối với người lao động.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết đối thoại tại nơi làm việc chính là chìa khóa để cân bằng lợi ích giữa người lao động và chủ doanh nghiệp trong các mối quan hệ lao động, đồng thời tôn trọng các chuẩn mực của văn hóa, ứng xử chung tại nơi làm việc. ''Đối thoại tại nơi làm việc là công cụ góp phần đảm bảo chất lượng hiệu quả và năng suất lao động. Đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ giúp tháo gỡ, giải quyết các vấn đề hoặc các tranh chấp và sẽ giúp thu hút các khoản đầu tư mới cũng như đảm bảo việc làm ổn định".
Hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quyền lao động đã và vẫn là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác 52 năm qua giữa Thụy Điển và Việt Nam. Ngày nay, sự hỗ trợ được thực hiện thông qua các tổ chức đa phương như UNDP và ILlO để đóng góp hơn nữa vào sự bền vững và phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, gần nhất là sự khởi động của Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) tại Việt Nam trong năm 2020. SWP được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Hội đồng Công nghiệp Thụy Điển (NIR) và Công đoàn Kim khí Thụy Điển (IF Metall). Chương trình được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA).
Bà Alessandra Cornale, Giám đốc toàn cầu Chương trình của SWP tin rằng sự hợp tác mạnh mẽ tại nơi làm việc giúp thu được các giải pháp kinh doanh sáng tạo và bền vững. ''Đối thoại tại nơi làm việc giúp xây dựng các mối quan hệ bền chặt giữa quản lý và nhân viên. Mối quan hệ tốt hơn dẫn đến việc các nhân viên gắn bó và làm việc hiệu quả hơn và việc kinh doanh cũng bền vững hơn. Đối thoại tại nơi làm việc cũng là một công cụ để các công ty xác định và giảm thiểu rủi ro cũng như thiết lập một phương pháp cụ thể để xử lý các thách thức nảy sinh tại nơi làm việc''. Bà cũng cho biết thêm SWP đã góp phần tăng cường, cải thiện sự hợp tác và giảm xung đột nơi làm việc tại những nơi chương trình được thực hiện.
Trong buổi hội thảo, các đại diện đến từ các công ty Thụy Điển cũng chia sẻ những ví dụ bằng cách nào đối thoại xã hội đã cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động, cũng như đóng góp hiệu quả kinh tế cho các ngành công nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp này chia sẻ cách để thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc trong các lĩnh vực khác nhau.
"IKEA mong muốn trở thành những người đi đầu trong việc tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng, mang lại lợi ích cho nhiều người. Chúng tôi tin rằng đó vừa là điều đúng đắn cần làm, vừa là điều sẽ mang lại thêm sức mạnh cho doanh nghiệp. Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra một cuộc sống ngày càng tốt hơn cho nhiều người dân"- ông Giafar Safaverdi, Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ IKEA Việt Nam, cho biết. Ông nhấn mạnh đối thoại tại nơi làm việc đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy điều kiện lao động tốt và kinh doanh hiệu quả.
"Là một công ty Thụy Điển, các mối quan hệ lao động là nền tảng tự nhiên của việc tạo ra tương tác và tác động tích cực cho người lao động. Với vị trí là một công ty toàn cầu trong ngành công nghiệp thời trang, chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ lao động trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động sẽ tạo ra một tình huống cùng có lợi cho tất cả các bên ở tại các quốc gia mà chúng tôi đặt hàng.Con đường phía trước chính là thông qua đối thoại và ngoại giao, trong mọi vấn đề, dù phức tạp hay không"- ông Christer Horn af Åminne, Giám đốc Quốc giachi nhánh Văn phòng H&M Campuchia & Việt Nam chia sẻ.
Kinh nghiệm của Thụy Điển cho chúng ta thấy việc áp dụng mô hình đối thoại tại nơi làm việc và cải thiện điều kiện làm việc sẽ giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng lao động. Không ai có thể tránh khỏi đại dịch nhưng với các công cụ phù hợp thì tỷ lệ thất nghiệp và mất thu nhập có thể được giảm thiểu, đồng thời có thể duy trì các điều kiện làm việc tốt và an toàn tại nơi làm việc.
Bình luận (0)