Sau khi cắt giảm lao động do gặp khó khăn vì dịch Covid-19, Công ty TNHH H.K (tỉnh Long An) bị 60 công nhân (CN) cùng khởi kiện đòi bồi thường tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ thực hiện đúng quy trình chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nên công ty đã tránh được khoản tổn thất.
Quy trình chặt chẽ, doanh nghiệp được lợi
Đại diện Công ty TNHH H.K cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, sau cuộc họp với ban chấp hành Công đoàn, các quản đốc và tổ trưởng vào ngày 28-3-2020, giám đốc công ty đã ra thông báo cho CN nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 30-3 đến 17-4-2020 để chống dịch. Thời gian này, tình hình tài chính công ty rất khó khăn vì hàng hóa không bán được, trong khi mỗi tháng phải vay ngân hàng hơn 10 tỉ đồng để trả lương cho CN. Trước nguy cơ phá sản, giữa tháng 4-2020 công ty quyết định thu hẹp sản xuất, cắt giảm 60% lao động (gần 600 người) do máy chọn ngẫu nhiên.
Sau khi trao đổi ý kiến với Công đoàn, công ty đã gửi phương án sử dụng lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An. Ngày 21-4-2020, sở đã có công văn phản hồi thống nhất với phương án sử dụng lao động của công ty. Đến ngày 13-5, khi CN nghỉ việc, dù khó khăn, công ty vẫn hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng. "Thời điểm nghỉ việc, hầu hết CN đều hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp (DN) nên đồng ý nhận tiền hỗ trợ và ký vào bản cam kết nghỉ việc, không khiếu kiện về sau. Công ty cũng hứa sẽ ưu tiên tuyển lại số người lao động (NLĐ) này khi phục hồi sản xuất. Thực tế là tháng 2-2021, khi tuyển mới lao động, công ty đã ưu tiên nhận lại số CN đã nghỉ việc nói trên. Hiện đã có 180 CN cũ quay trở lại làm việc" - đại diện công ty cho biết.
Cán bộ LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện cho người lao động
Tuy nhiên, sau đó 60 CN đã khởi kiện đòi bồi thường với lý do công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Ông N.T.T, đại diện các CN, cho rằng công ty không cung cấp chứng cứ chứng minh đang khó khăn kinh tế nên không thể chấm dứt HĐLĐ theo điều 44 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) mà phải áp dụng khoản 1 điều 38 BLLĐ. Như vậy, công ty phải báo trước cho NLĐ trước khi chấm dứt HĐLĐ từ 30-45 ngày nhưng không thực hiện đúng.
Tại phiên phúc thẩm vừa qua, TAND tỉnh Long An nhận định khi thu hẹp sản xuất, tổ chức lại lao động vì dịch bệnh, công ty đã thực hiện đúng quy trình, cũng như đã trao đổi với tổ chức đại diện NLĐ và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, trước khi nghỉ việc, các CN khởi kiện cũng đã tự nguyện ký tên vào bản cam kết, nhận tiền, quyết định thôi việc, sổ BHXH… nhưng không có ý kiến gì. Điều này chứng tỏ NLĐ với công ty đã tự thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo khoản 3 điều 36 BLLĐ. Do vậy, yêu cầu khởi kiện của NLĐ không có cơ sở chấp nhận.
Bồi thường vì ra quyết định trái luật
Cũng cắt giảm lao động vì dịch bệnh nhưng vừa qua, Công ty TNHH B.C (tỉnh Thái Bình) đã phải bồi thường cho NLĐ hơn 1,8 tỉ đồng. Cụ thể, sau gần 5 năm làm việc, ngày 26-6-2020, ông L.A bị công ty đột ngột ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do "ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà máy không có đơn hàng buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc", đồng thời được yêu cầu rời khỏi DN vào chiều cùng ngày.
Ông A. không đồng ý với lý do chấm dứt HĐLĐ bởi trong thông báo tuyển dụng của công ty vào tháng 5-2020 có ghi DN đã khôi phục và mở rộng sản xuất cần tuyển 600 CN may, hạn nộp hồ sơ là ngày 29-6-2020. Việc tuyển thêm người cho thấy công ty vẫn có đơn hàng, đã khôi phục và mở rộng sản xuất chứ không hề thu hẹp như đã nêu trong quyết định chấm dứt HĐLĐ. Hơn nữa, công ty không tuân thủ thời gian báo trước theo quy định nên ông A. khởi kiện.
Trình bày tại tòa, đại diện công ty khẳng định không chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với ông A. nhưng thừa nhận có tuyển thêm CN. Do vậy, hội đồng xét xử nhận định lý do cắt giảm lao động vì thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc mà công ty đưa ra là không có cơ sở. Đồng thời, khi chấm dứt HĐLĐ với ông A., công ty cũng không tuân thủ thời hạn báo trước nên hành vi của DN là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, phải bồi thường các khoản theo quy định. "Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định đối với trường hợp DN gặp khó khăn về nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác... Nếu như công ty thực hiện đúng tinh thần của hướng dẫn này thì đâu có mất khoản bồi thường lớn như vậy" - hội đồng xét xử nhìn nhận.
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Nên cập nhật quy định pháp luật
Dịch Covid-19 là sự cố chưa có tiền lệ. Do vậy, khi dịch xảy ra, ngoài các quy định của Bộ Luật Lao động, Chính phủ cùng các bộ, ngành cũng ban hành thêm một số văn bản hướng dẫn để DN và NLĐ thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên. Ngoài việc thường xuyên cập nhật các quy định mới, cả hai phía cần thực hiện đúng quy định để tránh các thiệt hại không đáng có.
Bình luận (0)