Đại diện các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam than phiền về thời gian, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn quá chậm và nhiêu khê. Điều này khiến cho kế hoạch sử dụng lao động người nước ngoài tại một số DN bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Doanh nghiệp khó đủ đường
Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam áp dụng từ năm 2020 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn cho các DN có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài.
Bà Đặng Tuyết Vinh, Trưởng Phòng Chính sách Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết đơn vị của bà liên tục nhận được những phàn nàn của các DN liên quan việc xin giấy phép cho NLĐ nước ngoài đến Việt Nam làm việc, trong đó phổ biến nhất là thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài.
Theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) các tỉnh, thành sẽ xem xét hồ sơ cho bước giải trình nhu cầu sử dụng và trả kết quả trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình và 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các DN, thực tế thời gian kéo dài hơn quy định để có được giấy phép lao động cho NLĐ nước ngoài. Thủ tục chậm trễ khiến nhiều DN gặp khó khăn khi tiếp nhận, tuyển dụng lao động người nước ngoài đến làm việc.
Ngoài ra, quy định mới nêu rằng chuyên gia nước ngoài phải có bằng cấp phù hợp với công việc tại Việt Nam cũng đang gây khó khăn cho DN. Một trong các giấy tờ cần nộp cho vị trí chuyên gia là bằng đại học và giấy xác nhận ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo. Rất nhiều chuyên gia nước ngoài ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài dù đã làm tại Việt Nam nhiều năm (có người hơn 10 năm) nhưng không còn giữ bằng đại học vẫn không thể lấy xác nhận.
Một buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền TP HCM về thủ tục cho lao động người nước ngoài
Từ những bất cập trên, bà Vinh kiến nghị cần rút ngắn thời gian cấp giấy phép lao động và có các hướng dẫn cụ thể, thống nhất để tránh việc sửa hồ sơ nhiều lần, hồ sơ cũng cần đơn giản. Về bằng cấp chuyên gia, nên linh động cho phép DN nộp giấy phép lao động cũ đã cấp trước đây của chuyên gia để làm bằng chứng thỏa mãn điều kiện. Chuyên môn, kinh nghiệm của các chuyên gia người nước ngoài cũng không quy định phức tạp quá mức cần thiết.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, cho rằng dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đang ngày một lớn nên số lượng nhân sự nước ngoài đến làm việc cũng nhiều. Do vậy, cải thiện được việc cấp giấy phép cho NLĐ nước ngoài sẽ giúp các khoản đầu tư sớm gặt hái được kết quả, tạo thiện cảm với các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.
Để cải thiện vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho rằng NLĐ nước ngoài phải chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cá nhân trước khi đến Việt Nam làm việc. Các DN sử dụng NLĐ nước ngoài tại Việt Nam cũng cần có những bước chuẩn bị kỹ khi nộp hồ sơ xin giấy phép cho lao động người nước ngoài. Bên cạnh đó, TP HCM cũng nâng cấp đường truyền để các DN nộp hồ sơ trực tuyến, tránh mất thời gian đi lại của DN. Theo ông Lâm, trong quý I/2023, TP HCM đã tổ chức 3 cuộc tọa đàm, gặp gỡ và đối thoại giữa chính quyền thành phố với DN, Hiệp hội DN nước ngoài liên quan việc cấp giấy phép cho NLĐ nước ngoài.
Tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Chính phủ tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng các nhà đầu tư và DN nước ngoài vào Việt Nam luôn được tạo điều kiện tối đa, trong đó có vấn đề lao động. Việt Nam đáp ứng cơ bản các nguồn nhân lực khi các nhà đầu tư vào đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tập trung sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan làm sao cho thông thoáng, nhất là đối với NLĐ nước ngoài.
Sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các DN, các nhà đầu tư về Nghị định 152, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ngay trong tháng 5, bộ sẽ tiến hành sửa đổi và quyết tâm sửa xong trong tháng 7-2023 theo tinh thần thông thoáng, trên cơ sở phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, quản lý phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận (0)