Cả nước có hơn 42.000 người được chi trả trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng; hằng năm giải quyết chi trả cho khoảng 5.000 người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN một lần. Việc chi trả các chế độ từ quỹ TNLĐ-BNN được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm kịp thời gian và tiến độ, theo đúng chế độ, không gây phiền hà cho đối tượng. Dù vậy, quá trình tổ chức thực hiện chế độ TNLĐ-BNN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về nội dung chính sách như: Việc xác định một số trường hợp bị nạn hoặc mắc bệnh thuộc danh mục BNN nhưng có được coi là TNLĐ-BNN hay không; thủ tục hồ sơ làm cơ sở xét hưởng chế độ BHXH trong các trường hợp bị tai nạn được coi là TNLĐ…
Bên cạnh đó là vướng mắc một số quy định về tài chính và thủ tục hành chính. Trong khi đó, mục đích chính của Luật An toàn - Vệ sinh lao động đặt ra là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng, chuyển mạnh từ giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ-BNN.
Để thực hiện tốt hơn chính sách này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang khẩn trương xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP. Nghị định mới sẽ sửa đổi một số quy định cụ thể về công tác khám chữa bệnh BNN, giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm được quyền lợi, chế độ cho người lao động (NLĐ). Đồng thời, nghị định cũng sẽ quy định về phục hồi chức năng cho NLĐ khi không may bị TNLĐ, bị suy giảm chức năng của các bộ phận cơ thể, khó làm được công việc bình thường, dễ bị sa thải, mất việc làm.
"Quy định hỗ trợ DN phục hồi chức năng cho NLĐ rất nhân văn, vừa giúp DN giảm chi phí phục hồi vừa giúp NLĐ phục hồi chức năng để có thể tiếp tục làm công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình" - ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, cho biết.
Bình luận (0)