Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH, tập trung vào các vấn đề tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu. Theo nhiều bạn đọc, vấn đề việc làm hiện nay trong lĩnh vực tư rất bấp bênh, do vậy việc qui định số năm đóng bảo hiểm và tuổi về hưu của người lao động trong lĩnh vực này là khó khả thi. Kinh tế lĩnh vực tư chiếm phần lớn GDP của cả nước. Do vậy nên áp dụng chính sách đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều cho tầng lớp lao động này cho dù họ đóng được bao nhiêu năm, bao nhiêu tuổi, họ muốn tăng lương trợ cấp thì họ đóng thêm.
Bạn đọc Chu Thanh Tân bày tỏ: "Luật BHXH thay đổi quá bất lợi cho người lao động, vừa tăng tuổi nghỉ hưu vừa điều chỉnh mức % được hưởng từ 15 năm tăng lên 20 năm mới được hưởng 45%. Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 người lao động thiệt kép vì phải đóng tăng thêm 2 năm, thời gian được hưởng giảm đi 2 năm. Luật thay đổi không tính đến mức độ ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi người lao động nên họ phản ứng rút 1 lần nhiều, vì họ biết tính toán vì quyền lợi của họ. Theo tôi, phải thay đổi từ từ, chỉ thay đổi hoặc tăng tuổi nghỉ hưu thì giữ nguyên mức 15 năm đầu hưởng 45% hoặc thay đổi 20 năm đầu hưởng 45% thì giữ nguyên 60 tuổi nghỉ hưu".
Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Đạt góp ý: "Tôi thấy tuổi nghỉ hưu như hiện nay là không phù hợp và người lao động không còn lựa chọn phải rút BHXH một lần thôi. Vì thực tế đời sống của công nhân hiện nay rất chật vật, môi trường làm việc kém, thực phẩm bẩn tràn lan..thời gian làm việc ở công xưởng kéo dài tới 10 -12 giờ/ngày. Lương thấp trong khi chi phí thuê nhà, điện nước học hành cao nên công nhân bắt buộc phải cày tăng ca 12 giờ/ngày mới bù đủ vào chi phí sinh hoạt để sống hàng ngày. Với điều kiện như vây thì chỉ 45 tuổi là giảm sức khỏe lao động và sẽ bị đẩy ra...và không thể xin việc ở tuổi 45 thì người lao động bắt buộc rút bảo hiểm để giải quyết khó khăn. Ngồi chờ tới 60 nữ 62 nam thì ai có thể chờ được hưu và nếu chưa đủ năm đóng thì cũng khó có cơ hội đóng tiếp".
Một bạn đọc tên Hân phân tích: "20 tuổi đi làm liên tục đến 40 tuổi thì đủ 20 năm, nếu nghỉ làm thì được hưởng 45%, còn đi làm thêm 15 năm nữa là 35 năm đủ 75%. Giả sử yếu sức khỏe không làm nữa thì phải chờ đến 7 năm nữa mới cầm được cái sổ lương, mà không biết cầm được mấy năm. Nếu có sức khỏe và công việc đi làm thêm 7 năm nữa nghỉ thì 7 năm này chỉ cho nhận được có 2%/năm thừa. Hết sức vô lý.
Theo bạn đọc tên Hoàng, tuổi nghỉ hưu nên để người lao động tự quyết định, miễn sao đóng từ 20 năm trở lên là được hưởng lương hưu. Với bạn đọc Vũ Hồng Tuyến, chế độ BHXH nên để mở tỉ lệ đóng, tỉ lệ hưởng, thời gian hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. "Tham gia sớm hưởng sớm tham gia muộn nghỉ đúng giờ 62 tuổi. không phân biệt nhà nước và tư nhân đều được hưởng lương hưu từ 5 đến 10 năm trước khi nghỉ hưu" - bạn đọc này đề xuất. Bạn đọc Phan Minh Tuyến bức xúc: "Tại sao công chức viên giảm biên chế thì không bị trừ do về hưu trước nếu đóng đủ 20 năm. Còn người lao động ở các doanh nghiệp không đủ sức lao động, phải về hưu giám định sức khỏe 61% thì bị trừ mỗi năm 2% do về hưu sớm?".
Bình luận (0)