Năm 2017, khi nhận tháng lương hưu đầu tiên, bà Trần Thị Thu Đào (62 tuổi), công nhân Công ty TNHH May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP HCM), vô cùng hụt hẫng. Khoản lương hưu bà nhận được khi đó là 1,14 triệu đồng/tháng, chưa bằng nửa mức lương tối thiểu (LTT) vùng thời điểm ấy.
Sống trầy trật
Khi nghỉ việc, bà Đào mới đóng BHXH được 18 năm nên chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Do đơn chiếc, bà chọn đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu với hy vọng khi về già không phiền đến ai.
Nỗ lực để có lương hưu nhưng khi cầm khoản lương trên tay, bà Đào không tin vào mắt mình nên đã tìm đến BHXH quận Gò Vấp để được tư vấn. Tại đây, bà Đào được giải thích rằng do mức lương đóng BHXH ban đầu quá thấp (chỉ hơn 200.000 đồng/tháng), cho đến lúc nghỉ hưu, mức lương đóng BHXH cũng chưa tới 4 triệu đồng/tháng, đồng thời tỉ lệ hưởng cho 20 năm đóng BHXH là 60% mức tiền lương bình quân đóng BHXH nên lương hưu thấp.
Sau nhiều lần được nhà nước điều chỉnh thì mức lương hưu của bà Đào đạt khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Do vậy, bà xin trở lại công ty cũ làm việc. Tuy nhiên, do tuổi cao, thao tác chậm lại hưởng lương sản phẩm nên thu nhập hằng tháng cũng phải tằn tiện mới đủ sống.
Làm quản lý từ những ngày đầu tham gia BHXH nhưng khi nhận lương hưu, bà Huỳnh Ngọc Lan, nguyên Trưởng Phòng Tổ chức kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sản xuất Giày Khải Hoàn (huyện Bình Chánh, TP HCM), cũng buồn như bà Đào. Với 24 năm đóng BHXH, mức lương hưu bà Lan nhận được năm 2017 là 2,9 triệu đồng/tháng.
Theo bà Lan, so với công nhân, mức lương đóng BHXH của bà cao hơn, những năm cuối, mức đóng là trên 13 triệu đồng/tháng. Nhưng do lương hưu tính trên mức đóng bình quân cả quá trình dẫn đến lương hưu thấp. Thời điểm nghỉ hưu, con còn đi học nên bà Lan cũng xin ở lại công ty làm thêm 3 năm để có chi phí trang trải. Hiện nay, mức lương hưu của bà đã tăng lên 3,9 triệu đồng/tháng nhưng vẫn sống chật vật.
Có toàn bộ thời gian làm việc tại một doanh nghiệp (DN) nhà nước, được cho là có lợi thế hơn người lao động (NLĐ) làm việc tại DN ngoài nhà nước khi tính lương hưu và sẽ có lương hưu cao, song thực tế không hẳn vậy. Bà Cao Thị Nhung từng là công nhân tại một công ty may thuộc Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết khi nghỉ hưu vào năm 2013, bà đang hưởng bậc lương tối đa là 6/6, hệ số lương 3,8.
Thời điểm đó, bà Nhung tham gia BHXH được 26 năm, tức được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, đồng thời mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu chỉ căn cứ vào bình quân tiền lương tháng đóng của 5 năm cuối nhưng khoản lương hưu nhận được chỉ có 3,17 triệu đồng/tháng.
Đến nay, lương hưu của bà Nhung tăng lên gần 4,5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn thấp hơn LTT vùng. Trong khi đó, theo tính toán của cơ quan chức năng, LTT vùng hiện tại chỉ mới đáp ứng 78%-80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Lương hưu cần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khi về già. Ảnh: MAI CHI
Phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu
Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2022, đã có gần 763.000 người được giải quyết chế độ hưu trí (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109.000 người). Trong đó, có khoảng 420.000 người đạt tỉ lệ hưởng lương hưu 75% (chiếm tỉ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí).
Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu, trong đó gần 1,9 triệu người có mức hưởng hưu từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng, chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trong cả nước.
BHXH Việt Nam cho hay mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH. Có nghĩa là mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ càng cao.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), pháp luật có quy định rõ mức LTT là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Song, thực tế vẫn có nhiều NLĐ khi về hưu phải nhận mức lương hưu thấp hơn mức LTT vùng. Đây là một trong những lý do khó giữ chân NLĐ gắn bó với hệ thống BHXH. "Khi sửa đổi Luật BHXH, cơ quan chức năng nên tính toán sao cho mức lương hưu tối thiểu phải bằng mức LTT vùng, có như vậy mới giữ NLĐ ở lại mạng lưới an sinh" - bà Yến đề xuất.
Tại các hội nghị góp ý sửa đổi Luật BHXH, nhiều cán bộ Công đoàn đề xuất ngoài xem lại cách tính lương hưu cho NLĐ khối DN ngoài nhà nước, cơ quan soạn thảo luật cũng nên cân nhắc về đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí (từ 20 năm xuống 15 năm).
Bởi với 15 năm đóng BHXH, lao động nam sẽ được tính lương hưu bằng 33,75% mức đóng, lao động nữ sẽ được tính bằng 45% mức đóng. Đối chiếu với mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH những năm qua là 3,8 triệu đồng/tháng, tỉ lệ đó chỉ tương ứng với mức lương hưu chưa tới 1,3 triệu đồng đối với nam và 1,7 triệu đồng/tháng đối với nữ, NLĐ không thể đủ sống.
Đề xuất cho phép NLĐ về hưu sớm theo nguyện vọng
Để tăng tính hấp dẫn của chế độ hưu trí, mới đây, 8 hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM) đã đề xuất để NLĐ được về hưu sớm theo nguyện vọng.
Theo đó, lao động nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Lý lẽ các hiệp hội đưa ra là lao động Việt Nam chủ yếu là làm việc tay chân, có nhiều trường hợp tham gia BHXH rất sớm, thời gian và mức đóng BHXH cao. Nhưng khi lớn tuổi sức khỏe giảm sút, không bảo đảm yêu cầu công việc, dễ có nguy cơ mất việc.
Khi mất việc, NLĐ khó tìm được việc làm mới, trong khi phải chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu mới được hưởng lương hưu sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, việc cho phép NLĐ được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ.
Bình luận (0)