Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH, tập trung vào các vấn đề tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu. Bạn đọc Nguyễn Thị Khánh Hòa bày tỏ: "Đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu là phi thực tế và thiên lệch cán cân lực lượng lao động. Thử hỏi, có doanh nghiệp nào tuyển công nhân 45, 47 tuổi làm việc hay không. Ở độ tuổi này, doanh nghiệp đã thải hồi".
Theo nhiều bạn đọc, vấn đề việc làm hiện nay trong lĩnh vực tư rất bấp bênh, do vậy việc qui định số năm đóng bảo hiểm và tuổi về hưu của người lao động trong lĩnh vực này là khó khả thi. Kinh tế lĩnh vực tư chiếm phần lớn GDP của cả nước. Do vậy nên áp dụng chính sách đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều cho tầng lớp lao động này cho dù họ đóng được bao nhiêu năm, bao nhiêu tuổi, họ muốn tăng lương trợ cấp thì họ đóng thêm...Bạn đọc Phạm Văn Hải phân tích: "Theo tôi các công ty xí nghiệp, cứ tới 45 tuổi đến 50 tuổi là họ đã tìm đủ mọi cách để cho nghỉ việc rồi, dù có đủ 20 năm thì đâu có xin việc cũng chẳng có nơi nào nhận. Vậy đợi đủ 62 tuổi, còn thời gian đợi chờ không, biết lấy gì ăn. Theo tôi giảm tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Một bạn đọc tên Cường đề xuất: "Đồng ý đóng nhiều hưởng nhiều, ít hưởng ít. 50 tuổi nếu đóng đủ 35 % thì hưởng 75%. Nếu đóng 30 thì hưởng 65%".
Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Đúng là nên tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu. Tuổi nghỉ hưu chỉ để bắt buộc người sử dụng lao động và người lao động trong độ tuổi đó phải đóng BHXH. Còn việc nhận lương hưu thì nên tính vào số năm tham gia BHXH. Người nào muốn nhận 45% thì đóng đủ 20 năm đóng, ai muốn nhận cao hơn thì đóng lên 30 năm, 35 năm. Nếu mức % kia chưa hợp lý thì BHXH nên thiết kế lại mức đóng hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít theo tỉ lệ % lương hưu và số năm lĩnh lương hưu. Thời gian lĩnh lương hưu cao nhất chỉ tới 80 tuổi, sống tiếp sau 80 tuổi thì chuyển qua chính sách người cao tuổi. Ví dụ: Đóng 20 năm BHXH thì được lĩnh 40% lương hưu trong 10 năm, đóng 30 năm BHXH được lĩnh 65% lương hưu trong 15 năm.... Người lao động có thể căn cứ vào sức khỏe của chính mình để quyết định thời điểm nghỉ lao động và quyết định số năm lĩnh lương hưu".
Một bạn đọc tên Tuấn chia sẻ: "Đợt sửa Luật BHXH lần này nên đưa chế độ nghỉ hưu theo hướng đa tầng? Những đối tượng lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước có thời gian đóng NHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên nếu ai có nguyện vọng nghỉ hưu để hưởng lương hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu. Còn đối với người lao động là cán bộ công chức viên chức và người lao động gián tiếp thì có thể áp dụng chế độ nghỉ hưu như hiện nay?". Tương tự, một bạn đọc tên Hiền đề xuất: "Theo tôi cứ đủ 25 năm đóng BHXH là đủ số năm đóng, còn tuổi nghỉ hưu phải phân loại các ngành nghề khác nhau không cào bằng nhưng mức trung bình là 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi với nam. Đóng càng nhiều, càng cao thì lương hưu càng cao và ngược lại". Với bạn đọc tên Hương, nên đưa tuổi hưu về lại 55 tuổi với nam 52 tuổi với nữ đã đóng 15 năm BHXH đối với người lao động chân tay thì được nghỉ hưu. Người nào đóng đủ 30 năm BHXH mặc định hưởng lương hưu mà không cần điều kiện gì kèm theo.
Trong khi đó theo bạn đọc Đỗ Văn Chữ, tuổi nghỉ hưu nam 60. Nữ 55 là hợp lòng dân và khoa học nhất. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, giới trẻ không lo thất nghiệp. Theo bạn đoc Nguyễn Đăng Khoa, nếu lộ trình đang tăng tuổi hưu không thay đổi được thì nên xem xét việc hưởng hưu và hướng chế độ. Cứ đóng đủ 25 năm BHXH thì cho hưởng chế độ, khi nào đủ tuổi thì hưởng lương hưu.
Bình luận (0)