"Cuối tháng 2-2019, khi chúng tôi đến đòi lương, giám đốc công ty yêu cầu ký vào giấy đề nghị kiêm phương án vay tiêu dùng tín chấp của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Khi chúng tôi không đồng ý, công ty không những không trả lương mà còn cho nghỉ việc, thậm chí dọa kiện đòi bồi thường chi phí đào tạo". Đây là nội dung đơn phản ánh của 4 nhân viên (NV) Công ty CP Hoa tươi 360 (quận Bình Thạnh, TP HCM) gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
Ai vi phạm thỏa thuận?
Số NV cho biết ngày 3-9-2018, họ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 5 năm với công ty ở vị trí chuyên viên thiết kế và trang trí hoa tươi, lương 9 triệu đồng/tháng. Cùng lúc đó, hai bên cũng ký hợp đồng đào tạo (HĐĐT) thời hạn 6 tháng, kể từ ngày 5-9-2018. Theo HĐĐT, công ty sẽ bỏ ra toàn bộ chi phí đào tạo là 118 triệu đồng/người, bao gồm: phí thuê giáo viên; thuê văn phòng đào tạo; phí mua hoa, nguyên phụ liệu thực hành; đồng phục; lương học việc (30 triệu đồng/6 tháng).
Nhân viên Công ty CP Hoa tươi 360 phản ánh sự việc tại Báo Người Lao Động
NV Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: "Theo thỏa thuận, chúng tôi sẽ được học thiết kế cắm hoa, Anh văn, vi tính, nghệ thuật bán hàng, chăm sóc khách hàng... nhưng thực tế chúng tôi chỉ được học cắm hoa cơ bản từ ngày 5-9 đến 20-10, sau đó phải làm việc như những NV chính thức nhưng chỉ được trả lương 5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 1-2019, công ty ngưng trả lương không rõ lý do. Ngày 25-2, khi chúng tôi gặp giám đốc để đòi lương thì được yêu cầu ký "khống" vào "Giấy đề nghị kiêm phương án vay tiêu dùng tín chấp". Nghĩa là chúng tôi ký giấy vay tiền mà không được điền thông tin cá nhân, cũng không biết số tiền sẽ vay là bao nhiêu. Khi chúng tôi không đồng ý ký thì bị giám đốc đuổi ra ngoài và không cho làm việc tiếp kể từ đó".
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Phúc, giám đốc công ty, giải thích: Khi ký HĐĐT, giữa công ty và người lao động (NLĐ) có cam kết về việc vay vốn tín chấp từ ACB. Khoản vay này vừa để bảo đảm NLĐ tuân thủ HĐLĐ, HĐĐT, vừa dùng để chi phí cho việc đào tạo. "Công ty đứng ra bảo lãnh cho NLĐ vay tiền. Sau khi vay, số tiền này sẽ chuyển cho công ty để trang trải trong thời gian đào tạo. Mỗi năm, công ty sẽ trả lại cho NLĐ 20% khoản tiền vay kèm theo lãi suất (tính theo lãi suất ngân hàng) và sẽ trả hết cho NLĐ trong 5 năm. Tuy nhiên, do các học viên vi phạm cam kết, chương trình đào tạo phải hủy bỏ khiến công ty bị nhiều thiệt hại. Hơn nữa, những người khiếu nại đang trong thời gian học việc, chưa phải là NLĐ, cũng chưa làm việc cho công ty ngày nào nên không có lý do gì để chúng tôi trả lương cho họ" - ông Phúc khẳng định.
Cách giải thích của ông Phúc khiến các NV bức xúc. Anh Doanh Văn Hoàng Việt bày tỏ: "HĐĐT không hề có điều khoản nào quy định chúng tôi phải ký giấy vay tiền ngân hàng mà chỉ có điều khoản "Toàn bộ chi phí đào tạo sẽ do ACB tài trợ bằng tín chấp và công ty sẽ thanh toán hết khoản tín chấp này cho ngân hàng khi NLĐ hoàn tất khóa học và thời hạn HĐLĐ". Điều này chỉ thể hiện sự ràng buộc trách nhiệm giữa công ty và ngân hàng, không liên quan đến NLĐ, nên chúng tôi không vi phạm cam kết. Mặt khác, công ty đã ký HĐLĐ và thực tế chúng tôi có làm việc cho công ty nên công ty phải trả lương cho chúng tôi".
Đủ kiểu "xù" lương người lao động
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, tiền lương của NLĐ phải được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Đồng thời, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người sử dụng lao động nào cũng tuân thủ đúng nguyên tắc này nên việc NLĐ bị thiệt hại quyền lợi như trường hợp nêu trên không phải cá biệt.
Trong đơn khiếu nại gửi đến báo mới đây, anh Huỳnh Việt Hiếu Minh (tỉnh Vĩnh Long) cho biết cũng lâm vào cảnh tương tự. Theo đó, tháng 10-2018, anh Minh trúng tuyển vào vị trí quản lý dự án của Công ty Celeb Entertaiment (quận 2, TP HCM), lương trong thời gian thử việc (2 tháng) là 12 triệu đồng/tháng. Ngày 22-10-2018, thấy công việc không phù hợp, anh xin thôi việc nhưng không được trả lương những ngày làm việc với lý do "Không bảo đảm việc hoàn thành công việc đang phụ trách, chỉ chuyển giao thông tin qua email, gây khó khăn cho công ty trong việc sắp xếp nhân sự, ảnh hưởng đến dự án đang phụ trách". Chúng tôi đã liên hệ với công ty để tìm hiểu sự việc nhưng không nhận được sự hợp tác.
Vin vào lý do NLĐ nghỉ việc đột ngột, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ T.T (quận 12, TP HCM) đã không trả lương cho họ. Trường hợp điển hình là ông Nguyễn Hòa Hiệp. Ông Hiệp bắt đầu vào công ty làm việc từ ngày 1-3-2017 và đến ngày 10-4-2017 thì nộp đơn xin nghỉ việc. Cho rằng ông Hiệp nghỉ ngang và gây thiệt hại cho doanh nghiệp nên công ty không trả lương. Bức xúc, ông Hiệp khởi kiện ra tòa. Trong phiên xử mới đây, hội đồng xét xử nhận định công ty không chứng minh được thiệt hại từ hành vi của NLĐ, do vậy phải trả đầy đủ tiền lương cho ông Hiệp kèm theo lãi suất trả chậm.
Phạt tiền từ 5-50 triệu đồng
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi trả lương không đúng hạn theo quy định tại điều 96 của Bộ Luật Lao động sẽ bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Đồng thời, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Bình luận (0)