“Sau khi sai phạm của công ty bị đăng báo, ông Nguyễn Văn Đạo, tự xưng là đại diện công ty, đến gặp tôi để thương lượng. Theo đó, ông Đạo cam kết sẽ thanh toán 60 triệu đồng tiền lương còn nợ cho tôi làm 4 đợt, mỗi đợt 15 triệu đồng và trả trong vòng 2 tháng. Đồng thời, công ty sẽ chốt sổ BHXH và bồi thường khoản trợ cấp thất nghiệp mà tôi không được nhận do sự chậm trễ của công ty. Thế nhưng, sau khi ký biên bản thỏa thuận, ông Đạo yêu cầu tôi phải làm văn bản gửi cơ quan báo chí, bảo họ gỡ bỏ bài viết. Cơ quan báo chí không thực hiện yêu cầu này, thế là công ty lờ luôn những cam kết đã ký với tôi” - anh Đỗ Tuấn Khôi, nguyên nhân viên Công ty CP M&C (quận 1, TP HCM), ấm ức cho biết.
Ép người quá đáng
Anh Khôi đã nghỉ việc hơn 2 năm nhưng 5 tháng tiền lương vẫn chưa đòi được. Sổ BHXH của anh cũng chưa được chốt và trả lại. Anh than thở: “Tôi không hiểu những người quản lý, điều hành công ty làm ăn kiểu gì mà chẳng có một chút uy tín nào! Mong những người lao động còn làm việc tại công ty phải cảnh giác”.
Cũng bị công ty “lật kèo” như vậy là trường hợp ông Nguyễn Văn Thành, nguyên tài xế Công ty CP Công trình Giao thông 68. Ông Thành bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) vào ngày 5-6 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền lương tháng 4 và 5, trợ cấp mất việc và tiền lệnh vận chuyển (tiền xăng xe, công tác phí cho tài xế) vì không chịu ký vào biên bản “thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ”.
Làm việc tại công ty từ tháng 4-2008 với HĐLĐ thời hạn 1 năm, sau đó công ty không ký tiếp nhưng ông Thành vẫn tiếp tục làm việc. Ngày 14-5, công ty thông báo chấm dứt HĐLĐ với lý do giải thể đội vận chuyển.
“Lẽ ra, khi cho người lao động nghỉ việc vì thu hẹp sản xuất, công ty phải trả trợ cấp mất việc. Đằng này, công ty chỉ trả trợ cấp thôi việc trên mức lương khoán 2,3 triệu đồng/tháng (mức lương đóng BHXH của ông Thành là 4,41 triệu đồng- PV). Tôi không đồng ý nên khiếu nại. Sau đó, công ty đồng ý trả trợ cấp mất việc dựa trên mức lương đóng BHXH và duyệt chi khoản tiền điều lệnh công ty đang nợ. Tuy nhiên, do công ty vi phạm thời gian báo trước khi chấm dứt HĐLĐ mà không bồi thường nên tôi không đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận. Vì lý do đó, sau khi nhận khoản tiền điều lệnh công ty trả cho tôi, ông Nguyễn Ngọc Luận, phó tổng giám đốc, đã giữ lại để làm điều kiện ép tôi ký biên bản” - ông Thành cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Luận xác nhận: “Tôi chỉ trả khoản tiền này khi anh Thành đồng ý ký biên bản. Còn không, cứ kiện ra tòa nếu muốn!”.
Tiền hậu bất nhất
Trường hợp của anh Đoàn Quang Minh, nguyên giáo viên Trường Quốc Văn Sài Gòn (quận Tân Phú, TP HCM), cũng là điển hình cho cách hành xử không quang minh chính đại của những người có trách nhiệm.
Năm 2009, anh Minh được ký HĐLĐ làm giáo viên cơ hữu bộ môn tiếng Anh. Đến ngày 1-9-2011, theo yêu cầu của nhà trường, anh ký lại HĐLĐ mới với thời hạn không xác định, mức lương cơ bản là 4,28 triệu đồng/tháng.
“Tháng 8-2014, tôi xin nghỉ việc, trường chỉ trả trợ cấp thôi việc 5 triệu đồng dù mới tham gia BHXH cho tôi từ tháng 4-2013. Lý do nhà trường đưa ra là vì tôi chỉ xuất trình được bản HĐLĐ ký tháng 9-2011. Sau đó, tôi đã đưa bảng lương cá nhân để chứng minh mình là giáo viên cơ hữu từ năm 2009 nhưng trường vẫn không chấp nhận. Chưa hết, từ tháng 6-2009 đến 2-2010, trường giữ lại 5% tiền lương mỗi tháng của tôi, đến khi tôi nghỉ việc cũng không trả lại” - anh Minh bức xúc.
Ông Nguyễn Công Nam, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng chỉ trả trợ cấp thôi việc cho anh Minh từ tháng 9-2011 đến tháng 3-2013 (là khoảng thời gian không đóng BHXH) vì trước đó, anh không phải là giáo viên cơ hữu. Về khoản trừ 5% thu nhập hằng tháng của anh Minh, ông Nam giải thích: “Đây không phải là khoản trừ mà là khoản nhà trường cho thêm giáo viên trong giai đoạn chưa tham gia BHXH, gọi là chế độ tích lũy lương...”.
Chúng tôi chỉ ra mâu thuẫn trong cách lý giải của ông Nam: Mục “chế độ làm việc, tiền lương, trợ cấp” trong bảng lương giáo viên quy định chỉ cán bộ biên chế và giáo viên cơ hữu mới được hưởng chế độ tích lũy lương 5%, giáo viên thỉnh giảng không có khoản này. Điều đó cho thấy anh Minh là giáo viên cơ hữu chứ không phải thỉnh giảng. Ông Nam đuối lý nhưng vẫn khăng khăng không trả trợ cấp cho thời gian anh Minh đã làm việc tại trường!
Bình luận (0)