Trong tháng 11-2018, một sự kiện văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đã diễn ra tại rạp Công Nhân (số 30 Trần Hưng Đạo, quận 1) khi LĐLĐ TP HCM phối hợp với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP tổ chức cho đoàn viên, CNVC-LĐ xem vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường".
Khơi gợi tinh thần yêu nước
Mười suất diễn được tổ chức trong ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần không chỉ đem lại sự trải nghiệm thú vị cho CNVC-LĐ mà còn khiến nghệ sĩ trình diễn phấn khởi không kém. "Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, chúng tôi đã làm một việc rất ý nghĩa. Đã lâu lắm rồi, anh em nghệ sĩ mới có dịp phục vụ CNVC-LĐ TP" - NSƯT Minh Vương bày tỏ.
Cảnh trong vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”
Vở diễn "Tổ quốc nơi cuối con đường" kể câu chuyện về sự kiện lịch sử xảy ra vào năm 1931, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt tại Hồng Kông. Chính quyền Anh định dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam giao cho nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương nhưng bị thất bại thảm hại bởi sự giúp đỡ vô tư của bạn bè quốc tế đầy lòng nhân ái dành cho Người. Vở diễn đã có một cách nhìn rất riêng khi lý giải uẩn khúc của những con người đã âm thầm giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc, dẫu gia đình họ bị liên lụy, bị bắt giam cũng vẫn kiên quyết bảo vệ Người. Chất liệu lịch sử được thể hiện rất tốt. Lối diễn xuất chân phương của các nghệ sĩ ở từng vai, đặc biệt là vai Bác Hồ trong thời gian hoạt động bí mật tại Hương Cảng (Trung Quốc) khiến tất thảy khán giả cảm động. Chị Hồ Bích Ngọc, một công nhân (CN) ở quận 6, TP HCM cùng mẹ đi xem vở diễn này, bộc bạch: "Đã lâu lắm rồi tôi mới bước chân vào rạp hát và xem hết vở tuồng cải lương hay và ý nghĩa đến vậy. Vở diễn được dàn dựng hoành tráng, đặc biệt là nghệ sĩ diễn xuất rất nhập tâm. Qua vở diễn, CNVC-LĐ chúng tôi hiểu rõ hơn sự hy sinh của Người trong quá trình tìm đường cứu đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến". Cùng suy nghĩ ấy, anh Nguyễn Văn Khôi, CN ở quận 12, bày tỏ: "Lúc đầu, nghe tên vở diễn, tôi nghĩ không hấp dẫn. Thế nhưng, nội dung quá xuất sắc, nhất là anh em nghệ sĩ diễn rất hay, rất chân thật. Xem vở diễn, tôi càng thêm kính trọng Bác - vị cha già kính yêu của dân tộc".
Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, thưởng thức văn hóa nghệ thuật là nhu cầu có thật của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có CNVC-LĐ TP. "Đưa cải lương đến với CNVC-LĐ là một việc làm ý nghĩa, không chỉ giúp họ nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc mà còn khơi gợi tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc" - đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ.
Đa dạng món ăn tinh thần
Theo nhận xét của NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM, để đạt trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật một cách tinh tường, nhất thiết phải có sự giáo dục tu dưỡng nhất định. CN lao động lâu nay vốn thiệt thòi, sau giờ làm việc là về nhà lo cho gia đình nên hiếm có cơ hội đến rạp. Do vậy, việc đưa tác phẩm đoạt huy chương vàng tại một liên hoan sân khấu toàn quốc, mang tính chuyên nghiệp cao như "Tổ quốc nơi cuối con đường" đến với đối tượng này là một chủ trương đúng đắn.
Xuyên suốt những đêm diễn, không chỉ ban tổ chức mà anh em nghệ sĩ cũng rất ngạc nhiên khi đa số khán giả đến xem là CN trẻ. Họ chăm chú lắng nghe từng lời thoại, hành động của diễn viên với sự tập trung cao độ. Bên cạnh đó, không gian sân khấu được thiết kế, xử lý thành một khối lập phương mang biểu tượng Nam Bộ với hình tượng hoa sen rất độc đáo, tạo nên một không gian rất hiện đại, sang trọng.
"CNVC-LĐ rất cần hòa mình vào các chương trình giáo dục thường thức văn hóa nghệ thuật của các tổ chức chính trị, nghề nghiệp. Tôi cho rằng việc làm này không chỉ mang lại sự cảm thụ nghệ thuật, góp phần mang món ăn tinh thần, giải trí cho CN mà còn gửi gắm đến họ nhiều thông điệp tốt đẹp từ học tập, làm theo tấm gương của Người" - NSƯT Trần Minh Ngọc tâm sự.
Còn theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, việc đưa vở diễn này đến với CN là cách thiết thực nhất để đẩy mạnh phong trào học và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Những vở diễn tâm huyết như thế này rất cần được nhân rộng, làm sao để sức lan tỏa đến được với CN, đặc biệt là năm nay kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương thì càng ý nghĩa.
Tôi rất vui khi diễn phục vụ CN. Với vai diễn hóa thân vào nhân vật lãnh tụ, đây là lần đầu tiên tôi được đóng vai Bác Hồ. Những tràng pháo tay cổ vũ tinh thần của khán giả CN đã làm tăng thêm động lực sáng tạo không ngừng. Sau đợt diễn này, tôi càng thêm yêu nghề và hiểu rõ hơn vai trò chiến sĩ trong mỗi người nghệ sĩ” - NSƯT Tấn Giao tâm sự.
Bình luận (0)