Việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện tăng theo chuẩn nghèo mới cùng những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến việc phát triển người tham gia càng thêm khó. Trong bối cảnh đó, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11-2022, cả nước có 17,266 triệu người tham gia BHXH, đạt 90% so với kế hoạch của ngành, tăng gần 720.000 người so với hết năm 2021; hơn 90,19 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 1,36 triệu người so với hết năm 2021, đạt tỉ lệ bao phủ 91,1% dân số.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết thời gian qua, công tác thu, phát triển người tham gia gặp khó khăn, thách thức đến từ chính sách, bối cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là những biến động về lao động, việc làm của người lao động (NLĐ) những tháng cuối năm... Ngành BHXH cả nước đã nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó, kết quả 11 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 9 tới nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. "BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương, đơn vị bám sát diễn biến của thị trường lao động để có giải pháp hỗ trợ tư vấn, vận động, phát triển BHXH tự nguyện; tập trung vào nhóm đang tạm dừng tham gia với hơn 500.000 người, quyết tâm vận động tham gia trở lại ít nhất hơn 100.000 người" - ông Hào nhấn mạnh.
Ngày 23-11 vừa qua, BHXH Việt Nam đã phát động "Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn" trên phạm vi toàn quốc. Hưởng ứng chương trình, đến nay BHXH Việt Nam đã huy động được khoảng 10.000 sổ BHXH và 120.000 thẻ BHYT trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Số sổ BHXH, thẻ BHYT này được huy động từ nguồn kinh phí ủng hộ 1 ngày lương do công chức, viên chức và NLĐ ngành BHXH Việt Nam đóng góp và nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc tài trợ thông qua cơ quan BHXH các cấp.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng tặng sổ BHXH và thẻ BHYT không chỉ là sự san sẻ về vật chất mà còn là sự động viên tinh thần, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh khi không may ốm đau; có cơ hội được tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi tuổi già. "Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương đã linh hoạt, sáng tạo các mô hình theo đặc thù mỗi khu vực để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ đạt hiệu quả cao" - ông Mạnh nói.
Đại diện BHXH TP HCM trao tặng sổ BHXH cho người dân khó khăn tại huyện Cần Giờ. Ảnh: MAI CHI
Bảo đảm cuộc sống
Việc thay đổi mức đóng tối thiểu của BHXH tự nguyện trong năm 2022 khiến một bộ phận người tham gia dừng đóng do gặp khó khăn về kinh tế trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, nhiều tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng ngoài mức quy định của nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc BHXH huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - cho biết việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn vì thời gian đóng dài, mức đóng tương đối cao so với thu nhập của người dân địa phương. Do đó, UBND huyện đã khuyến khích mỗi đảng viên vận động hoặc đóng cho ít nhất một người nhà tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều đảng viên đã đóng BHXH tự nguyện cho cha mẹ mình và coi đây là món quà ý nghĩa mà các con có thể dành tặng cho cha mẹ. Số tiền đóng hằng tháng không quá nhiều nhưng cha mẹ khi về già sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT miễn phí để bảo đảm cuộc sống, con cháu cũng sẽ yên tâm hơn. Lãnh đạo BHXH nhiều địa phương cũng cho rằng giải pháp quan trọng nhất trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông trực tiếp đến người đã tham gia BHXH tự nguyện và nhóm đối tượng tiềm năng. Khi tăng mức đóng tức là quyền lợi cũng được thay đổi, từ đó NLĐ sẽ có mức lương hưu cao hơn, tiệm cận hơn với sự phát triển mức sống tại thời điểm về già.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức lương cơ sở hiện hành, do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, theo quy định của nhà nước là 154.000 đồng/tháng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Mới đây, BHXH Việt Nam yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh, thành tiếp tục tham mưu cho HĐND cấp tỉnh, huyện đưa vào nghị quyết hằng năm về chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT; đề xuất hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng có hoàn cảnh khó khăn, người mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại các xã mới thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Với các địa phương đã có nghị quyết của HĐND về hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHYT, kịp thời lập danh sách người tham gia để cấp thẻ BHYT.
Bình luận (0)