Sáng 20-9, tại TP HCM, Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội (CSXH) giai đoạn 2021-2020 (Nghị quyết 15). Ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận trung ương, chủ trì hội thảo.
Nhiều thành tựu quan trọng
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), khẳng định qua 10 năm thực hiện, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về CSXH đã chuyển biến rõ rệt. Hệ thống CSXH cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận được các tiêu chí quốc tế, bảo đảm quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết với điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội (ASXH).
LĐLĐ TP HCM tặng thẻ BHXH tự nguyện cho đoàn viên tại các nghiệp đoàn
Đơn cử về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực và hiệu quả. Hằng năm, đã giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu lao động, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ổn định mức dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%. Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối khoảng 3,5 tỉ USD/năm.
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, khi tiếp cận theo hướng đa chiều, đồng bộ và đổi mới về phương thức, phương pháp thực hiện với nhiều mô hình mới; gắn kết giữa tạo sinh kế việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Qua đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.
Bên cạnh đó, BHXH từng bước phát huy và khẳng định vai trò trụ cột chính của hệ thống ASXH. Diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia BHXH năm 2020. Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia BHXH vẫn tiếp tục tăng (đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022)…
"Ngoài ra, chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019). Những thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân" - ông Hiến nhấn mạnh.
Điểm sáng TP HCM, Bình Dương
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, phấn khởi cho biết qua 10 năm thực hiện, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI tại TP HCM, các CSXH không chỉ đạt hiệu quả mà còn tiếp tục duy trì và giữ được tính bền vững. Nhiều mô hình đã được duy trì và có tác động góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra như: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, Mái ấm Công đoàn, cuộc vận động "Vì người nghèo", hỗ trợ học bổng, hỗ trợ công nhân…
Kết quả triển khai, thực hiện các CSXH cũng cho thấy người có công cơ bản có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình; số người lao động có việc làm tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm; bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và truyền thông cho người dân. Đặc biệt, chương trình giảm nghèo cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực về mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung đẩy mạnh tiến độ giảm nghèo theo hướng tiếp cận chuẩn nghèo trong khu vực và thế giới...
Tuy nhiên, theo ông Thinh, hệ thống ASXH của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính bao trùm toàn xã hội, chưa huy động được sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Để thực hiện tốt CSXH, ông Thinh đề xuất TP HCM và cả nước cần thực hiện chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm cho họ và gia đình của họ có mức sống bằng hoặc hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần thực hiện tốt chính sách dự báo, thông tin về thị trường lao động. "Nhà nước cần đầu tư, mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo chất lượng nguồn lao động. Đồng thời, phát triển việc làm bền vững, đẩy mạnh dịch chuyển lao động khu vực phi chính thức sang lao động chính thức; giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trên 45 tuổi, lao động yếu thế" - ông Thinh đề xuất.
Bình Dương cũng là địa phương có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực. Từ năm 2012 đến năm 2020, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động liên kết lao động với hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước. Trung bình mỗi năm, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 45.000 lao động. Bình Dương cũng thực hiện tốt công tác tạo việc làm thông qua hình thức cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.
"Đến năm 2021, tỉnh đã cho vay 17.870 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 80.000 lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh, khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất" - ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, thông tin.
Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam, Nghị quyết 15 đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về ASXH. Dù phía trước còn những thách thức nhưng đại diện ILO khẳng định sẽ chung tay với Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH và các đối tác để thực hiện hóa tầm nhìn chung về ASXH toàn dân của Việt Nam vào năm 2030.
Ông PHẠM VĂN LINH, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận trung ương:
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tổng kết nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, hệ thống CSXH năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu ASXH và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam có kế hoạch ban hành một nghị quyết mới về CSXH cho giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Bình luận (0)