Ngày 17-8, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch và nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, đáng lưu ý là người lao động (NLĐ) không có hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Gần 9.600 người được hỗ trợ
Tại chính sách mới được thông qua, NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) theo khoản 12 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7 của Chính phủ bao gồm: Giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ, thuyền viên phục vụ tàu du lịch, tài xế, phụ xe của 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố; tài xế, phụ xe các tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; tài xế làm việc ở các đơn vị lữ hành, phục vụ vận chuyển du lịch, làm việc ở các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; NLĐ làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình và bán vé số... được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần. Mỗi đối tượng được hỗ trợ 1 lần. Kinh phí hỗ trợ trích từ nguồn ngân sách nhà nước.
Người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng (bìa phải) nhận tiền hỗ trợ
Theo báo cáo của HĐND TP Đà Nẵng, tính đến ngày 17-8, BHXH thành phố đã thực hiện việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 9.046 đơn vị với số lao động là 174.227 người. Tổng số tiền giảm trong tháng 7 và 8 là hơn 10 tỉ đồng. BHXH TP Đà Nẵng cũng đã thực hiện quyết định tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất cho 5 đơn vị với số lao động là 443 người, tổng số tiền là hơn 1,5 tỉ đồng. Về việc hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP Đà Nẵng đã tiếp nhận hồ sơ của 3 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc và đã ban hành 3 quyết định vay vốn với số tiền hơn 700 triệu đồng. Từ tháng 5-2021, TP Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ (lần 1) cho các đối tượng là NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, NLĐ ngừng việc, NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; viên chức hoạt động nghệ thuật; hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Tổng số NLĐ được hưởng chính sách hỗ trợ này là 9.589 người, với tổng số tiền hơn 17,9 tỉ đồng. Trong đó, riêng lực lượng HDV du lịch đã có 1.056 người được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 3,9 tỉ đồng.
Ấm lòng người lao động
Nhận được số tiền hỗ trợ từ TP Đà Nẵng, nhiều lao động tự do, nhất là các HDV du lịch, đã bày tỏ niềm vui và hạnh phúc. Anh Tán Vĩnh Phúc, HDV du lịch thuộc Công ty CP Du lịch Việt Nam, cho biết cả anh và vợ đều công tác trong ngành du lịch. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc sống gia đình anh rất vất vả vì phải xoay xở chật vật nhằm trang trải chi phí hằng ngày. Khi biết được thông tin về chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, trong đó có lực lượng HDV, anh Phúc đã ngay lập tức liên hệ và làm hồ sơ. "Số tiền hơn 3,7 triệu đồng đối với nhiều người tuy không lớn nhưng đối với gia đình tôi thì thực sự mang lại niềm vui và cả sự hạnh phúc. Hai năm qua, dường như chúng tôi không có nguồn thu nhập nên cuộc sống rất khó khăn. Nhận được tiền ngay trước đợt giãn cách xã hội của thành phố, vợ chồng tôi đã dùng để mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho gia đình..." - anh Phúc nói.
Cùng tâm trạng như trên, anh Nguyễn Văn Phát, một HDV du lịch tự do, cũng cho biết thủ tục nhận tiền hỗ trợ rất nhanh chóng. Anh Phát cho hay trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thế này, rất cần thiết những "phao cứu sinh" cho NLĐ. TP Đà Nẵng đã rất nhanh chóng và kịp thời hỗ trợ NLĐ và điều đó khiến anh rất vui và cảm kích. Ông Đinh Viết Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng, cho biết trong các đợt dịch trước thì NLĐ trong lĩnh vực du lịch của thành phố cũng nhận được hỗ trợ. Riêng lần này, số tiền hỗ trợ cho lực lượng HDV du lịch cao hơn so với các ngành nghề khác. "Khoản hỗ trợ đó ít nhiều đã giúp đỡ NLĐ ngành du lịch được ấm lòng trong lúc khó khăn này. Hy vọng đó là động lực để mọi người cùng nhau cố gắng vượt qua..." - ông Hải nói.
Hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp
HĐND TP Đà Nẵng cũng thông qua đề xuất của UBND thành phố về việc sử dụng nguồn vốn cho vay trả nợ tiền sử dụng đất tái định cư chưa giải ngân sang cho vay giải quyết việc làm. Chủ trương này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì việc làm, phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19. Trong đó có giải pháp về hỗ trợ tín dụng chính sách cho các đối tượng thực sự khó khăn, yếu thế; các đối tượng khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân khôi phục sản xuất và duy trì kinh doanh, buôn bán sau dịch Covid-19, kể cả cho vay giải quyết việc làm đối với NLĐ trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh chuyển đổi ngành nghề hoặc doanh nghiệp vay vốn để khôi phục sản xuất - kinh doanh phục vụ du lịch, HĐND TP Đà Nẵng đã thống nhất chuyển số kinh phí ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP Đà Nẵng để cho vay trả nợ tiền sử dụng đất tái định cư sang cho vay chương trình giải quyết việc làm với số tiền 100 tỉ đồng.
Bình luận (0)