Sau giờ làm, anh Đoàn Thế Lực, điều dưỡng Khoa Điều trị Tổng hợp Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP HCM, ở lại để tham gia lớp ĐH do Công đoàn (CĐ) ngành Y tế TP phối hợp cùng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng mở. Không chỉ anh Lực, 180 điều dưỡng của BV cùng tham gia 2 lớp ĐH được tổ chức ngay tại BV.
Chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp
Ông Lương Văn Minh, Phó Chủ tịch CĐ ngành Y tế TP, cho biết Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi chức danh nghề nghiệp để CNVC-LĐ phấn đấu thực hiện. Theo quy định, từ ngày 1-1-2021, viên chức được tuyển dụng vào các chức danh nghề nghiệp điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng trở lên. "Trong khi đó, hiện TP HCM có khoảng 15.000 điều dưỡng trung cấp đang làm việc tại các cơ sở y tế. Từ thực tế này, cán bộ chuyên trách của CĐ ngành đã liên tục xuống các đơn vị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các điều dưỡng cũng như gặp gỡ lãnh đạo các BV, trung tâm y tế, phòng khám… để tìm các giải pháp. Tiếp đó, phương án tổ chức học tập nâng cao trình độ ngoài giờ làm việc, cụ thể vào buổi tối là khả thi nhất. CĐ ngành đã phối hợp cùng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng mở lớp. Để tạo thuận lợi nhất cho học viên, trường sẽ cử cán bộ đến giảng dạy tại các BV" - ông Minh cho hay.
Lớp đại học ban đêm tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM
Đến nay, CĐ ngành đã phối hợp với trường tổ chức được 4 lớp học liên thông từ trung cấp lên ĐH (tại các BV Ung Bướu, Nguyễn Tri Phương, Viện Tim TP), 2 lớp liên thông từ trung cấp lên cao đẳng (BV Nhi Đồng 1 và BV Mắt TP) với gần 600 học viên. Ông Phạm Minh Thanh, Phó Chủ tịch CĐ BV Ung Bướu, nhận xét: "Cuối giờ chiều là cao điểm kẹt xe mà hàng trăm học viên phải đi đến trường là một khó khăn lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Vì thế, học viên rất ủng hộ lớp học mở ra ngay tại BV. CĐ cơ sở hỗ trợ nhà trường và học viên trong các khâu tổ chức, điểm danh, hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ, thu nộp học phí…".
Hỗ trợ học phí
Đối với các nhân viên điều dưỡng, sắp xếp thời gian để học là một việc khó nhưng vấn đề học phí cũng là gánh nặng vì đa phần thu nhập không cao. Nắm bắt được những ưu tư này, CĐ ngành đã đàm phán, thương lượng với trường giảm học phí cho mỗi học viên 1 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, với người liên thông từ trung cấp lên cao đẳng sẽ được giảm 3 triệu đồng/3 học kỳ; học viên liên thông từ trung cấp lên ĐH được giảm 6 triệu đồng/6 học kỳ.
Bên cạnh đó, CĐ ngành cũng làm việc với Tổ chức Tài chính vi mô CEP để hỗ trợ học viên được vay trong gói hỗ trợ học tập nâng cao trình độ với lãi suất ưu đãi. Chị Vũ Phạm Hồng Trang, điều dưỡng Khoa Xạ 3 BV Ung Bướu TP, cho biết: "Tôi luôn mong muốn được nâng cao trình độ nhưng chưa thực hiện được do hoàn cảnh gia đình và điều kiện công việc. Khi CĐ ngành và Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức lớp học tại BV, tôi và nhiều anh chị khác đã đăng ký. Học sau giờ làm việc rất thuận lợi vì không phải đi xa, mất thời gian. Những hôm bận trực đêm, chúng tôi hoán đổi cho nhau cũng rất thuận tiện. Chúng tôi còn được CĐ ngành giới thiệu vay tiền học với lãi suất thấp và không phải thế chấp. Với số tiền vay 14 triệu đồng/học kỳ và trả dần hằng tháng, tôi thấy rất phù hợp với thu nhập hiện tại của mình". Hiện có 270 học viên theo học chương trình này đăng ký vay tiền của CEP.
Ông NGUYỄN TẤN ĐẠT, Phó Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP:
Được vay tối đa 30 triệu đồng
Chương trình "Tín dụng học nghề" của CEP ra đời được 2 năm với hơn 550 CNVC-LĐ vay hơn 13 tỉ đồng. Không chỉ phối hợp cùng CĐ ngành Y tế TP mà bất cứ người lao động nào có nhu cầu học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, học ngoại ngữ, tin học… cũng được xét vay. Thủ tục cho vay rất đơn giản, người lao động chỉ cần giấy giới thiệu của CĐ cơ sở, bảng photocopy giấy trúng tuyển chương trình học là được vay tối đa 30 triệu đồng. Với những đơn vị có đông người vay, CEP đến tận nơi để phục vụ.
Bình luận (0)