Vừa xong chuyện chị trưởng phòng thì tới lượt chị phó phòng mang “cái bánh bao chiều” vào công việc. Đứa con út của chị bị bạn bè rủ rê đi bụi, chị phải tìm cả đêm nên bao nhiêu bực bội, chị xả ra bầu không khí trong phòng và lên đầu những nhân viên dưới quyền trực tiếp. Tôi rất ngán những hôm các sếp giận chồng, giận con.
Đến lượt chị đồng nghiệp lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình bị anh người yêu chia tay. Chị đem cái mặt chằm vằm vô công ty khiến từ anh bảo vệ đến cô tạp vụ và cả chúng tôi đều phải kiêng dè. Bữa đó tôi vô ý để quên ly nước trên bàn làm việc của chị, chỉ vậy thôi mà chị hét lên như thể trời sập: “Của ai đây, tôi vứt vô thùng rác bây giờ!”. Tôi hết hồn hết vía, vội xách cái ly chạy luôn ra khỏi phòng.
Tưởng chỉ có mấy chị già tới tuổi tiền mãn kinh, mấy chị ngoài bốn mươi mà chưa có chồng mới trái tính trái nết như vậy; không ngờ cả cô gái trẻ 22 tuổi vừa lấy chồng 1 tháng cũng có ngày mang cơn giận anh chồng mới cưới vào công ty. Khuôn mặt tươi hơn hớn hằng ngày bị thay bằng khuôn mặt chèm nhẹp nước mắt, nước mũi; lâu lâu lại nghe sụt sịt... Tôi lại phải kiếm chuyện đi ra ngoài để không trở thành cái sọt rác cho cô trút bầu tâm sự.
Phòng có 17 người nhưng tôi đếm sơ có đến hơn phân nửa có thói quen mang chuyện ở nhà vô công ty để hành hạ đồng nghiệp. Làm ơn đi, chuyện nào giải quyết dứt điểm chuyện đó; nếu giận chồng thì trút giận lên chồng; giận con thì ném giận lên con; chứ còn mang tới công ty quăng lên đầu đồng nghiệp như vậy thì khổ quá! Bởi những ngày đó, các vị chẳng làm được việc gì mà toàn bắt người khác phải làm thay hoặc nếu có làm thì sai lung tung.
Tiết chế tình cảm là chuyện khó nhưng hãy tập luyện giùm đi các anh, các chị đồng nghiệp của tôi. Nếu không, một ngày nào đó, cả phòng mình bị trầm cảm hoặc bị tâm thần ráo trọi...
Bình luận (0)