Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động mới đây, chị Nguyễn Thị Ánh, nhân viên phòng linh kiện Công ty M.B.C (tỉnh Đồng Nai), bức xúc: "Tôi làm việc tại công ty từ năm 1997 và chưa hề vi phạm kỷ luật nhưng vào tháng 3-2016, công ty bỗng yêu cầu tôi làm đơn xin nghỉ việc. Khi tôi không đồng ý, công ty bắt tôi ngừng công việc, ngồi trên một cái ghế đặt giữa phòng nhân sự, không được làm bất cứ việc gì, cũng không được nói chuyện với ai. Vào ca làm việc, chỗ tôi ngồi có rất nhiều người đi qua lại nhìn ngó khiến tôi rất tủi thân và xấu hổ".
Không còn tình người
Trong hơn 1 tháng ngồi ở phòng nhân sự cả ca ngày lẫn ca đêm, thời gian đầu, công ty phân công một vài nhân viên giám sát chị. Sau đó, các nhân viên này đi đâu mất. Vào ca đêm, một mình ngồi trong phòng vắng chị rất sợ nên có lần đã rời khỏi phòng ra ngồi ngoài đại sảnh, nơi có các nhân viên bảo vệ đang trực. Vì chuyện này, chị đã bị công ty xử lý kỷ luật khiển trách với lý do "tự ý rời khỏi vị trí làm việc".
Công nhân một công ty ở quận 12, TP HCM bị cho ngồi ngoài cổng vì không đồng tình với cách tính lương của chủ
Đến tháng 5-2016, chị Ánh được trở lại phòng làm việc nhưng mọi thứ đã xấu đi. Do chị bị rối loạn tiền đình từ trước và đã được bác sĩ chỉ định không được thức đêm nhưng vì tính chất công việc phải làm 1 tuần ngày, 1 tuần đêm nên bệnh của chị liên tục tái phát. Trong tháng 10 và tháng 11-2016, ngoài số ngày nghỉ do bác sĩ chỉ định, chị đã xin nghỉ thêm 5 ngày không hưởng lương (có báo với đội trưởng). Tuy nhiên, đầu tháng 1-2017, chị bị công ty ra quyết định sa thải vì "tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong phạm vi 30 ngày mà không có lý do chính đáng".
Cũng có giấy nghỉ ốm theo chỉ định của bác sĩ, thậm chí được cơ quan BHXH thanh toán chế độ ốm đau và BHYT nhưng chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân (CN) Công ty M.G (quận 2, TP HCM), cũng bị công ty gây khó. Chị Thanh chia sẻ: "Công ty nói 20 ngày nghỉ bệnh của tôi là có uẩn khúc nên đề nghị tôi viết đơn xin nghỉ việc. Họ còn dọa nếu không viết đơn sẽ bị sa thải và khi đó sẽ không được hưởng bất cứ chế độ gì, cũng không thể đi nơi khác làm việc. Khi tôi không đồng ý, suốt 45 ngày công ty cho tôi ngồi cách ly với CN, dưới cửa máy lạnh có công suất lớn để tôi không chịu nổi mà xin nghỉ việc. Tuy nhiên, tôi nhất quyết không xin nghỉ. Thế là đầu tháng 8-2017, công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với tôi mà không nêu lý do".
Vẫn có cách xử lý
Tiếp cận hồ sơ các vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng đó là biểu hiện của hành vi phân biệt đối xử và ngược đãi người lao động (NLĐ). Theo quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ), các hành vi này bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, hiện BLLĐ không có định nghĩa, cũng không liệt kê rõ những hành vi nào là ngược đãi. Ngoài ra, NLĐ cũng còn thiếu kiến thức pháp luật cũng như chưa ý thức đầy đủ trong việc chống lại hành vi ngược đãi khiến doanh nghiệp "được nước làm tới". Chẳng hạn như ở 2 trường hợp trên, NLĐ âm thầm chịu cảnh bị ngược đãi hơn 1 tháng ròng mà không hề có phản ứng gì để cuối cùng bị công ty kiếm cớ sa thải hay chấm dứt HĐLĐ. Sau sự việc đó, họ kiện công ty ra tòa nhưng cũng chỉ chú trọng nội dung đòi bồi thường thiệt hại vật chất chứ không kiện vì bị ngược đãi, bạo hành tinh thần.
Một cán bộ LĐLĐ quận 9, TP HCM chia sẻ: Cách đây ít lâu do gặp khó khăn, Công ty C.R (quận 9, TP HCM) buộc phải cắt giảm lao động. Lúc đó, thay vì tiến hành thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với CN, công ty này lại yêu cầu NLĐ viết đơn xin thôi việc và dọa nếu ai không viết thì vẫn bị cho nghỉ việc nhưng không được chốt sổ BHXH. Lo sợ, phần lớn CN đã ký đơn xin nghỉ, chỉ có 7 người không ký mà yêu cầu công ty giải quyết đúng luật. Để đối phó với 7 CN này, công ty không cho họ vào xưởng làm việc mà bắt ngồi trước phòng bảo vệ. Bức xúc, các CN đã khiếu nại. Sau khi các cơ quan chức năng can thiệp, công ty phải tiến hành thương lượng và bồi thường theo yêu cầu của CN để chấm dứt HĐLĐ.
Bình luận (0)