Sau nhiều năm làm việc cho Công ty CP Hưng Long (trước ở đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM; sau dời về quận 5, TP HCM), ngày 1-1-2015, ông Trần Ngọc Phú được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Theo đó, ông Phú được phân công làm nhân viên bảo vệ tại chi nhánh nhà hàng Hưng Long 1 (20 Nguyễn Kim, quận 5) với tổng thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng và được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo luật định.
Đem con bỏ chợ
“Từ trước đến nay, tôi làm tại nhà hàng nhưng do công ty quản lý hồ sơ và chi trả lương - thưởng. Từ tháng 12-2016, công ty giao nhà hàng trực tiếp trả lương cho chúng tôi với mức chỉ hơn phân nửa so với trước mà không hề đưa ra bất kỳ thông báo, quyết định điều chuyển hay phụ lục hợp đồng” - ông Phú bức xúc. Trước đây, mỗi giờ làm việc của ông Phú và các nhân viên bảo vệ được 20.000 đồng cộng các chế độ làm thêm giờ ban đêm thì khi chuyển qua cách trả lương mới, họ chỉ được hưởng 14.000 đồng/giờ, làm ngày nào tính ngày đó; không có chế độ khi làm việc ngày nghỉ, lễ, Tết.
Sự việc càng gây bức xúc hơn khi nhà hàng thông báo trừ tất cả các loại bảo hiểm bắt buộc vào thu nhập của ông Phú và các nhân viên bảo vệ. Với cách tính lương mới, thu nhập của ông Phú chỉ còn 4,2 triệu đồng/tháng. Đã vậy, công ty lại trừ đi hơn 1,2 triệu đồng để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc và kinh phí Công đoàn khiến thu nhập đến tay ông còn không đầy 3 triệu đồng/tháng.
“Trong khi nhà nước quy định người lao động (NLĐ) chỉ đóng 10,5% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì chúng tôi phải đóng cả phần của doanh nghiệp, tức tổng cộng là 34,5% tiền lương mỗi tháng. Chúng tôi thắc mắc thì nhà hàng chỉ sang công ty, lên công ty hỏi thì được bảo đã khoán hết cho nhà hàng. Vậy chúng tôi đang lao động cho ai? HĐLĐ rõ ràng là ký với công ty mà giờ không chịu trách nhiệm là sao?” - ông Phú thắc mắc.
Không thể chấp nhận
Anh Nguyễn Nam Hiệp, cũng là bảo vệ nhà hàng, cho biết làm việc tại đây đã hơn 4 năm, cứ mỗi năm lại ký HĐLĐ 1 lần, tổng cộng ký 4 bản HĐLĐ. Hợp đồng gần nhất mà Công ty Hưng Long ký với anh Hiệp là từ 3-8-2016 đến 2-8-2017 và đến tháng 12-2016, anh Hiệp cũng chịu chung tình cảnh như ông Phú.
Anh ấm ức: “Thu nhập đột ngột sụt giảm, các khoản thuê mướn hay vay mượn giờ không biết đào đâu ra mà trả. Giờ này, Tết nhất đến nơi rồi mà cũng chẳng nghe thông báo là có thưởng hay không? Ngay cả những ngày làm Tết sắp tới cũng không biết chế độ thế nào. Công ty muốn khoán, muốn thay đổi kinh doanh gì thì cũng phải thông báo trước cho chúng tôi một tiếng và phải có trách nhiệm với hợp đồng đã ký với NLĐ. Nếu muốn thì công ty có thể chấm dứt HĐLĐ với chúng tôi nhưng phải có trợ cấp đàng hoàng theo luật định chứ như thế này thì không thể chấp nhận được!”.
Vi phạm pháp luật
Điều đáng nói nữa là trong bản HĐLĐ của Công ty Hưng Long ký với ông Phú, đại diện người sử dụng lao động là ông Vũ Đình Mẫn, chức vụ… nhân viên (!) Để xác minh điều bất thường này cũng như những khiếu nại của NLĐ, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với công ty nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn và không có bất kỳ câu trả lời chính thức nào.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng nếu công ty muốn thay đổi cách trả lương, mức lương… thì phải thương lượng với NLĐ. Nếu không thống nhất được thì vẫn phải trả theo mức lương đã thỏa thuận trước đó chứ không được tùy tiện giảm lương. “Công ty ký liên tiếp 4 bản HĐLĐ xác định thời hạn với NLĐ là trái pháp luật. Đặc biệt, việc công ty trừ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp vào lương của NLĐ là sai phạm nghiêm trọng” - ông Triều khẳng định.
Bình luận (0)