Một trong những nội dung sửa đổi là điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng thêm tuổi nghỉ hưu. Thực tế, dù chưa đến tuổi nhưng nghe thông tin này, tôi và nhiều đồng nghiệp rất lo lắng.
Những ngành khác, công việc khác thế nào thì tôi không biết nhưng những ngành tôi đã làm qua như dệt may hay giày da tiêu tốn sức lực rất nhiều. Năm này tháng nọ làm việc liên tục trong nhà máy, mệt mỏi tích tụ dần dần. Mà chỉ làm việc theo giờ bình thường thì đồng lương không có bao nhiêu nên cứ phải tăng ca thường xuyên. Đây cũng là một yếu tố làm mòn mỏi sức khỏe. Thêm nữa, ngành giày da cũng có đặc thù là độc hại, nhiều anh chị em làm việc đến chừng 50 tuổi là đã không đủ sức để lao động với cường độ cao; những người làm liên tục lâu năm đến tuổi này vẫn còn sức để làm việc mà tôi biết chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do đó, nếu nhà nước muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu thì nên xem xét trong từng ngành nghề cụ thể chứ không nên tăng tuổi hưu đại trà. Mỗi ngành nghề có đặc thù, kèm theo đó là các bệnh tật, sức khỏe suy giảm cũng khác nhau. Công việc tay chân, lao động phổ thông trông thì đơn giản nhưng tiêu tốn nhiều sức lực; về già đều bị xương, khớp cả. Riêng lao động nữ trong những ngành nghề này khi lập gia đình thì còn khó khăn thêm bội phần.
Đa số anh chị em chúng tôi đi làm rất sớm, lúc 18, 20 tuổi. Làm công việc chân tay nặng nhọc trong một khoảng thời gian dài chắc chắn sẽ không chịu nổi. Dẫu nghỉ sớm lương hưu không cao nhưng có muốn kéo dài thời gian làm cũng không làm nổi; năng suất thấp, chất lượng kém, sớm muộn gì cũng bị đào thải. Có thể có một số ngành nghề khác nhẹ nhàng hơn, việc tăng tuổi hưu là phù hợp với thực tế cũng như nguyện vọng của người lao động; riêng với những ngành nặng nhọc, độc hại như giày da, dệt may, chế biến thủy sản, cơ khí, vệ sinh… thì không nên và cũng không thể kéo dài thời gian làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu mà nên giữ quy định như hiện hành.
Bình luận (0)