Vụ tranh chấp lao động giữa Công ty TNHH A.L (quận Bình Thạnh, TP HCM) và chị N.H.C, nhân viên kế toán, về giải quyết chế độ sau khi nghỉ việc kéo dài từ tháng 7-2014 đến nay vẫn chưa kết thúc. Trao đổi với chúng tôi, phía công ty quả quyết lỗi thuộc về người lao động vì chị C. tự ý nghỉ việc khi chưa hoàn tất bàn giao. Tuy nhiên, trong 2 lần hòa giải tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận và 3 lần được TAND quận Bình Thạnh mời, phía công ty không có mặt, chỉ gửi công văn lên cơ quan BHXH đề nghị sung số tiền BHXH của chị C. vào công quỹ!
Hành xử lạ lùng
Giải thích cho việc làm lạ lùng của mình, bà N.A.T, tổng giám đốc công ty, lập luận: “Chị C. cũng như nhiều lao động hiện nay chỉ chăm chăm đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình, đòi hưởng tiền BHXH, trợ cấp thất nghiệp mà quên đi trách nhiệm trong công việc. Cho nên, nếu nhà nước còn có những khoản trợ cấp như vậy thì xã hội ngày càng có nhiều người lao động vô trách nhiệm với công việc”.
Tuy nhiên, theo trình bày của chị C., sự việc không hẳn vậy. Chị C. và công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ tháng 5-2012 với chức danh kế toán. Ngày 9-6-2014, khi chị C. nộp đơn xin nghỉ việc, bà T. yêu cầu chị phải lấy hết giấy xác nhận công nợ của khách hàng mới duyệt đơn. Sau khi thực hiện xong, bà T. không thực hiện lời hứa mà tiếp tục đề nghị chị C. hướng dẫn công việc cho nhân viên mới. Xong việc, bà T. lại đưa yêu sách mới là bắt chị C. phải kiểm tra tất cả sổ sách kế toán những năm cũ (thời điểm chị C. chưa vào làm) rồi mới duyệt đơn. Cho rằng đã hoàn tất việc bàn giao phần việc của mình, hơn nữa đã hết 45 ngày báo trước, chị C. từ chối thực hiện yêu cầu kiểm tra sổ sách và đề nghị bà T. ký đơn thôi việc. Lần này, bà T. ra tối hậu thư: “Nếu không muốn tự dò sổ thì đi kiếm kế toán phụ trách số sổ đó (đã nghỉ việc) vào dò, nếu chưa xong thì đừng hòng nghỉ việc”.
Quá ngán với cách hành xử của tổng giám đốc, chị C. không đến công ty làm việc kể từ ngày 26-7-2014. Đến nay, hơn 13 triệu đồng tiền lương và sổ BHXH của chị C. vẫn chưa được công ty hoàn trả.
“Háo thắng” kéo dài tranh chấp
Sau nhiều năm thụ lý các vụ án tranh chấp lao động, một thẩm phán TAND quận Gò Vấp, TP HCM nhận định ngoài nguyên nhân thiếu hiểu biết pháp luật lao động của cả 2 phía, việc doanh nghiệp quá “háo thắng” cũng là lý do khiến các cuộc tranh chấp kéo dài.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Đơn cử như vụ tranh chấp giữa một công ty (trụ sở ở quận Phú Nhuận, TP HCM) và anh N.V.V, nhân viên giao gas của công ty. Đầu tháng 1-2015, phát hiện decal có in số điện thoại của công ty đối thủ trong khu vực bếp của khách hàng mà anh V. phụ tránh, dù không chứng minh được việc đó là do anh làm nhưng giám đốc vẫn ra quyết định cho anh thôi việc. Khi anh V. gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng quận Phú Nhuận, trong buổi hòa giải, dù thừa nhận làm sai trình tự, thủ tục nhưng giám đốc công ty nhất quyết không bồi thường vì cho rằng anh V. có lỗi.
Sau buổi hòa giải không thành, biết anh V. khởi kiện ra tòa, giám đốc công ty lập tức đi quay phim, chụp hình, ghi âm lời khách hàng ở khu vực anh V. phụ trách “để làm bằng chứng”. Chưa hết, vị giám đốc này còn gửi đơn tố cáo anh V. lên cơ quan công an vì cho rằng anh đã gây thiệt hại cho công ty!
Kéo dài, thiệt hại càng lớn
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trong cả 2 trường hợp, phía doanh nghiệp đều sai. “Giải quyết tranh chấp đòi hỏi thiện chí từ hai phía, nhất là phía người sử dụng lao động. Nếu để sự việc dây dưa, kéo dài, chắc chắn thiệt hại của doanh nghiệp càng lớn, số tiền phải bồi thường càng nhiều” - ông Phúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)