xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng từ bỏ ước mơ

HƯƠNG HUYỀN - THÀNH ĐỒNG

Những biến cố trong cuộc sống không thể cản bước công nhân bị tai nạn lao động tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình

Với bà Đặng Thị Quỳnh Phương Anh (52 tuổi), giáo viên (GV) Trường Mầm non 4A (quận 3, TP HCM), ước mơ đơn giản là có sức khỏe để nuôi con gái và chăm sóc mẹ già. Thế nhưng, trời không chiều lòng người khi từ đầu tháng 11-2019, chị thường xuyên bị những cơn đau đầu hành hạ. Dù vẫn gắng gượng đến trường nhưng chị có linh tính không hay về sức khỏe bản thân. Khi bệnh chuyển nặng kèm triệu chứng nôn ói, chị mới đi khám và được kết luận u não trái đa ổ, ác tính. Khi được bác sĩ thông báo tình trạng bệnh, chị chết lặng!

Chiến đấu với bệnh tật

Bà Anh có 31 năm là GV mầm non, chia tay chồng đã lâu, hiện sống cùng mẹ già đã 83 tuổi, con gái đang học lớp 8 và người chị làm nhân viên bảo mẫu của một trường tiểu học. Mẹ của bà Anh bị đái tháo đường và huyết áp cao nên sức khỏe rất yếu, phải thuốc men thường xuyên. Người chị có thu nhập eo hẹp (khoảng 3,5 triệu đồng/tháng), do vậy mọi chi tiêu trong nhà phụ thuộc vào nguồn thu của bà Anh.

Đừng từ bỏ ước mơ - Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Quỳnh Phương Anh (phải), chiến đấu với bệnh tật để tiếp tục làm việc Ảnh: CAO HƯỜNG

Để có thêm chi phí trang trải sinh hoạt trong gia đình, hằng ngày bà Anh nhận giữ học sinh ngoài giờ. Tuy nhiên, khoản thu nhập này cũng chẳng giúp cuộc sống gia đình khá hơn. Do vậy, việc mắc bệnh hiểm nghèo khiến khó khăn thêm chất chồng. Sau đợt phẫu thuật cắt bỏ khối u vào giữa tháng 11-2019, sức khỏe bà Anh dần hồi phục. Theo chỉ định của bác sĩ, bà sẽ phải tiếp tục điều trị nên chưa biết khi nào mới có thể trở lại với công việc. Thế nhưng, tiếp xúc chúng tôi, bà vẫn lạc quan và khẳng định sẽ chiến đấu với bệnh tật đến cùng, vì tương lai của con gái. Hôm nghe LĐLĐ quận thông báo nhận được sự hỗ trợ từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động, bà rất vui và cảm động. "Thời gian qua, tôi phải nghỉ việc điều trị bệnh nên thu nhập giảm sút. Thêm vào đó, khoản tiền cố gắng tiết kiệm được đã tiêu hết vào chi phí thuốc men, điều trị, do vậy tôi rất lo lắng cho cái Tết sắp tới. Sự quan tâm, hỗ trợ của chương trình đã tiếp thêm động lực để tôi chiến thắng bệnh tật" - bà Phương Anh chia sẻ.

Không đầu hàng số phận

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, đông anh em, năm 1997, anh Vương Vĩnh Phú xin vào Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương (quận 12, TP HCM) làm công nhân (CN) với mục đích kiếm được số vốn nho nhỏ để học nghề cắt tóc hoặc lái xe. Nhưng dự định ấy chưa thực hiện được thì tai họa ập đến. Năm 1998, trong lúc tìm cách gỡ một chiếc túi vải đang vướng vào máy ly tâm, do bất cẩn nên cánh tay phải của anh bị cuốn vào...

Đừng từ bỏ ước mơ - Ảnh 2.

Trở thành người khuyết tật nhưng anh Vương Vĩnh Phú vẫn sống lạc quan Ảnh: CAO HƯỜNG

Vụ tai nạn khiến anh phải mất 1 cánh tay và điều trị hơn 1 tháng tại bệnh viện. Sau khi lành vết thương, với tỉ lệ suy giảm sức lao động sau tại nạn là 63%, anh được công ty bố trí công việc nhẹ nhàng hơn ở xưởng sản xuất. Từ một thanh niên khỏe mạnh với nhiều hoài bão, nay trở thành người khuyết tật khiến anh bị sốc. Chán nản, anh muốn buông xuôi tất cả. Nhờ sự động viên của gia đình và đồng nghiệp nên anh lấy lại thăng bằng. Dù vậy, số phận như trêu ngươi khi tai họa lại một lần nữa ập đến với anh. Năm 2010, anh bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, mất gót chân phải, tỉ lệ thương tật là 12%. Dù gặp nhiều biến cố song anh vẫn nỗ lực làm việc. Năm 2012, hạnh phúc mỉm cười với anh khi chị Lê Thị Xa, một đồng nghiệp trong công ty, đồng ý làm người bạn đời… Quả ngọt của cuộc hôn nhân đó là 2 bé trai kháu khỉnh lần lượt ra đời (năm 2013 và 2015).

Thế rồi, hạnh phúc đó lại đan xen với khó khăn khi chị Xa phải nghỉ việc để chăm sóc và đưa đón các con đi học, gánh nặng kinh tế lại đè nặng lên đôi vai của anh. Mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào khoản thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng và trợ cấp tai nạn gần 1,5 triệu đồng/tháng của anh. Dù tằn tiện đến đâu thì cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng anh Phú - chị Xa vẫn giữ được lạc quan. "Khó khăn đến mấy, tôi cũng nỗ lực vượt qua, chỉ mong sao có đủ sức khỏe để nuôi dạy 2 con trưởng thành. Với sự tiếp sức từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương", gia đình tôi sẽ có một cái Tết ấm áp" - anh Phú bộc bạch.

Không buông xuôi

Vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra vào tháng 7-2019 khiến anh Ngô Phi Viên (SN 1981), CN hàn xì của Công ty TNHH Lamasg E&C (quận 9, TP HCM), bị gãy cẳng chân trái. Sau 6 tháng điều trị, do chân vẫn thường xuyên đau nhức lúc trái gió trở trời nên anh vẫn chưa dám làm những công việc nặng nhọc. "Bác sĩ nói phải mất ít nhất 1 năm rưỡi đến 2 năm tôi mới có thể bình phục. Dù rất lo nhưng tôi sẽ cố gắng điều trị, hồi phục và gắn bó lâu dài với công việc" - anh Viên nói.

Hiện lương cơ bản của anh được khoảng 7 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca cũng tròm trèm 10 triệu đồng. Ngoài chi tiêu cá nhân, hằng tháng anh còn phải gửi về cho bố mẹ ở quê nuôi con gái ăn học. Lập gia đình cách đây 2 năm, song cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn khiến anh và vợ đường ai nấy đi. Con gái của anh học lớp 6 và đang ở quê với ông bà nội. "Thiếu tình cảm của mẹ là thiệt thòi của con cái, do vậy tôi sẽ cố gắng làm việc để bù đắp cho cháu. Giờ con gái chính là nguồn an ủi, là động lực để tôi làm việc. Ít năm nữa, tôi sẽ đón cháu vào đây ở cùng để tiện bề chăm sóc và lo chuyện tương lai" - anh Viên tâm sự.

Cách đây 1 tháng, khi được Công đoàn cơ sở thông báo được chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động hỗ trợ, anh rất vui. "Với CN bị TNLĐ, nỗi đau thể xác và tinh thần khiến họ dễ gục ngã, buông xuôi tất cả. Tôi thấy mình may mắn khi được chương trình tiếp sức, xem đó là động lực để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống lẫn công việc" - anh Viên khẳng định.

Trao quà "Xuân nhân ái - Tết yêu thương"

Sáng nay (14-1), chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động sẽ họp mặt, trao tặng 50 phần quà cho CN bị TNLĐ, bệnh hiểm nghèo và nghề nghiệp, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Ngoài thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc, đây cũng là dịp để CN bị TNLĐ có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng bệnh tật cũng như cách khắc phục những khó khăn trong cuộc sống với đồng nghiệp cùng cảnh ngộ.

Từ các nguồn vận động, Ban Tổ chức chương trình sẽ gửi tặng 50 phần quà (3 triệu đồng tiền mặt và 1 phần quà có trị giá 1,2 triệu đồng) cho CN mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. "Không chỉ là sự chăm sóc vật chất, chương trình là tấm lòng, là nghĩa tình, là tiếng nói từ trái tim nhân ái của các thành viên đại gia đình Báo Người Lao Động. Với thông điệp nhân văn đầy ý nghĩa, chương trình đã nhận được sự chung tay, góp sức của nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng đồng hành. Với những phần quà Tết ý nghĩa, Ban Tổ chức hy vọng sẽ san sẻ một phần nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần với các anh, chị em CN bị TNLĐ, bệnh hiểm nghèo. Hy vọng các anh, chị em sẽ có một cái Tết thật ấm áp" - ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-1

Kỳ tới: Sẻ chia ấm áp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo