Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Bình quân, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Đáng chú ý, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 - 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài nhà nước), chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần.
Tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Liên quan đến đề xuất trên, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được sự đồng thuận của bạn đọc. Bạn đọc Phạm Tuấn Anh bày tỏ: "Tôi năm nay 41 tuổi đã thất nghiệp. Lúc trẻ toàn làm việc cơ khí nặng nhọc, nay đã bị ảnh hưởng như tai nghe nghễnh ngãng, tay run, bệnh bắt đầu nhiều. Thử hỏi nếu quỵ định cứ thay đổi liên tục như vậy ai biết được sau này 10 năm nữa có tăng thêm tuổi về hưu không?. Nhà nước cần quy định rõ ràng đối tượng nào tham gia trước luật mới thì cứ luật cũ mà áp dụng và ngược lại. Cần đa tầng hơn để tham gia dễ dàng hơn. Như cho phép người lao động được chọn năm đóng, mức đóng, năm hưởng".
Tương tự, bạn đọc Hiếu Hạnh bức xúc: "Tôi đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm, do sức khỏe nên đã nghỉ việc năm 2020, khi đó tôi mới tròn 42 tuổi. Hiện tôi đang 45 tuổi, theo luật tôi phải chờ đến năm 60 tuổi mới bắt đầu nhận lương hưu, như vậy là tôi phải chờ đúng 18 năm sau. Biết vậy tôi chỉ đóng BHXH năm hoặc 19 năm vài ba tháng sau đó rút BHXH một lần". Thực tế hơn, bạn đọc Trần Văn Hào nêu ví dụ: "Chả có ai đi làm để tham gia BHXH ở tuổi 45 nữa mà toàn thấy các doanh nghiệp tìm cách để sa thải những người ở độ tuổi này, vì mắt đã mờ chân đã run".
Một bạn đọc giấu tên nhận xét: "Chỉ có Báo Người Lao Động mới có thể có tiếng nói đại diện cho người lao động. Những người soạn thảo văn bản luật nên chia ra người lao động khối doanh nghiệp và khối nhà nước riêng để quy định số tuổi được hưởng lương hưu. Đừng loay hoay mãi vấn đề bao nhiêu năm đóng nữa, nó không quan trọng bằng bao nhiêu tuổi được hưởng đâu". Bạn đọc Nguyễn Kha nêu thực tế: "Tôi đã đóng đủ 30 năm nhưng hiện tại mới 54 tuổi, giờ tôi muốn nghỉ và nhận sổ hưu mà nhà nước cứ thay đổi như thế này thì không biết tôi có đủ sức khỏe để hưởng lương hưu theo quy định của nhà nước không?".
Bạn đọc Nguyễn Khánh Khoa đặt vấn đề: "Cơ quan soạn thảo cần khảo sát thật kỹ mới đưa ra dự thảo chứ, có khảo sát kỹ về NLĐ sau tuổi 45 mới tham gia BHXH không, tỉ lệ khoảng bao nhiêu? Giảm số năm đóng BHXH có nhiều ý kiến cho rằng đó là ngăn làn sóng rút BHXH 1 lần mà thôi". Tương tự, một bạn đọc tên Liêm đặt câu hỏi: "Lo cho những người tham gia đóng BHXH chậm sau tuổi 45-47...để được hưởng lương hưu? Theo tôi đó là một nỗi lo quá hạn hữu, thậm chí phi thực tế".
Bạn đọc Phùng Thanh góp ý: "Tôi nhận thấy, có rất nhiều ý kiến người lao động nêu ra từ thực tiễn, từ chính hoàn cảnh của đa số người lao động rất hợp lý. Rất mong các cấp, các ngành liên quan, những nhà làm luật đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động để từ đó đưa ra những đề xuất kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hài hòa giữa lợi ích nhà nước và nhân dân". Bạn đọc Trần Thị Lại phân tích: "Giảm năm đóng bảo hiểm cũng không ngăn được làn sóng rút BHXH 1 lần mà phải giảm tuổi nghỉ hưu. Nên đưa vào luật người lao động đã đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam chưa đến tuổi thì người lao động được nghỉ hưu mà không phải giám định sức khỏe".
Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Thiết nghĩ ngành BHXH nên chia ra 3 phần Độ tuổi phải đóng BHXH, độ tuổi hưởng lương hưu và độ tuổi hưởng trợ cấp người già. Độ tuổi đóng BHXH từ 19 - 62 bắt buộc người lao động trong độ tuổi này phải đóng BHXH. Tuổi hưởng trợ cấp người già 82 trở lên. Tuổi nghỉ hưu thì để tự người lao động quyết định. Khi đó nếu đóng BHXH được 20 năm sẽ hưởng 45% lương hưu, thời gian hưởng chỉ là 57 năm. Nếu đóng đến kịch khung 35 năm thì sẽ hưởng lương hưu 75% 20 năm lĩnh lương hưu nhưng tối đa chỉ tới 82 tuổi, sau 82 tuổi chuyển sang hưởng trợ cấp người già chung chỉ khác là người có đóng BHXH thì được cấp BHYT miễn phí. Khi đóng đủ mức BHXH tối thiểu 20 năm thì người lao động được quyền lựa chọn nghỉ hưu và thời điểm lĩnh lương hưu. Ai muốn hưởng nhiều hưởng lâu thì đóng nhiều, ai muốn hưởng ít thì nghỉ sớm".
Đóng BHXH đủ 30 năm mặc định được hưởng lương hưu
Bạn đọc Lê Thái Sơn góp ý: "Tổng LĐLĐ Việt Nam và Báo Người Lao Động cũng như các chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất, các khu công nghiệp hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề điều chỉnh Luật BHXH lần này. Phải làm sao để Luật BHXH hài hòa giữa người lao động và các doanh nghiệp, thật sự được đa số người lao động ủng hộ tuyệt đối. Một bạn đọc tên Danh viết: "Dứt khoát phải lấy ý kiến người lao động toàn quốc về tuổi hưu. Người lao động đã đóng BHXH đủ 30 năm mặc định được hưởng lương hưu".
Bình luận (0)