Ý thức rõ số lượng lao động đông, mối quan hệ lao động phức tạp cần phải có bộ quy tắc ứng xử để xử lý các vấn đề tranh chấp phát sinh, Công ty TNHH F.T (quận Thủ Đức, TP HCM) đã xây dựng "Quy trình kỷ luật lao động (KLLĐ)". Bản quy trình KLLĐ được tham khảo ý kiến của đơn vị tư vấn luật và được công ty sử dụng để giải quyết êm xuôi nhiều vụ tranh chấp trước đó. Thế nhưng, mới đây, khi phát sinh tranh chấp với công nhân (CN) Nguyễn Thị Thanh, công ty mới phát hiện kẽ hở trong quy trình xử lý của mình.
Nhầm lẫn về thẩm quyền
Bản "Quy trình KLLĐ" công ty xây dựng năm 2016 khá bài bản, có 7 điều khoản quy định chi tiết, cụ thể về đối tượng áp dụng, các hành vi vi phạm, các hình thức kỷ luật, quy trình - trình tự xử lý, thẩm quyền xử lý, người ký biên bản hoặc quyết định kỷ luật, thời hiệu xử lý kỷ luật…
Đáng chú ý là ở mục trình tự, thủ tục xử lý KLLĐ, người chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật được công ty quy định là "người được người sử dụng lao động (NSDLĐ) ủy quyền". Giải thích về điều này, đại diện công ty cho biết với số lượng hơn 8.000 CN, tổng giám đốc không thể trực tiếp xử lý tất cả vụ việc nên đã ủy quyền ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho ông C.F, phó tổng giám đốc và ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Ngọc, chức danh chủ nhiệm bậc 1, chủ trì các cuộc họp xử lý KLLĐ.
Người lao động đến nhờ Báo Người Lao Động can thiệp bảo vệ quyền lợi Ảnh: BẢO NGHI
Tuy nhiên, quy định này vấp phải sự phản ứng của CN Nguyễn Thị Thanh sau khi nhận quyết định kỷ luật sa thải. Chị Thanh cho rằng công ty đã nhầm lẫn bởi tại khoản 4, điều 12 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trường hợp NSDLĐ ủy quyền cho người khác giao kết HĐLĐ thì khi tiến hành cuộc họp xử lý KLLĐ, người được ủy quyền giao kết HĐLĐ sẽ tiến hành triệu tập và chủ trì cuộc họp xử lý KLLĐ. Nghĩa là ngoài NSDLĐ thì chỉ có người được NSDLĐ ủy quyền ký HĐLĐ, tức ông C.F, mới được chủ trì cuộc họp xử lý KLLĐ. Việc bà Ngọc chủ trì họp xử lý kỷ luật sa thải là trái pháp luật. Chị Thanh cho biết sẽ kiện công ty ra tòa.
Sai một li, đi gần 1 tỉ
Trong các vụ tranh chấp lao động, đặc biệt là tranh chấp về xử lý kỷ luật sa thải, chỉ cần bỏ sót một bước rất nhỏ cũng sẽ khiến doanh nghiệp "ôm hận". Như trường hợp xảy ra với Công ty CP T.V (quận 9, TP HCM) mới đây. Công ty bị TAND TP HCM tuyên buộc phải bồi thường cho người lao động (NLĐ) hơn 767 triệu đồng vì vi phạm nguyên tắc, trình tự khi xử lý kỷ luật sa thải; đồng thời phải truy nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN hơn 121 triệu đồng.
Trước đó, anh Nguyễn Minh Khoa được công ty mời đến thử việc 2 tháng (từ ngày 15-11-2014 đến 17-1-2015) và làm việc theo "Quyết định phân công công tác" với chức danh phó tổng giám đốc điều hành, hưởng lương 50 triệu đồng/tháng, địa điểm làm việc tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Sau thời gian thử việc, công ty không thông báo kết quả và anh Khoa vẫn tiếp tục làm việc. Tháng 6-2015 công ty miễn nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc điều hành và phân công anh Khoa làm nhân viên văn phòng tổng giám đốc, hưởng lương 35 triệu đồng/tháng. Tiếp đó, ngày 1-7-2015, công ty lại điều chuyển anh Khoa đến làm việc tại tỉnh Bình Dương. Anh không đồng ý và không đến nhận việc tại địa điểm mới nên ngày 17-7-2015, bị công ty sa thải vì vắng mặt 5 ngày trong tháng mà không có lý do chính đáng.
Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, công ty giải thích nguyên nhân điều chuyển anh Khoa từ TP HCM đến Bình Dương là do nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, lý do này bị tòa bác bỏ. Theo tòa, nội quy lao động của công ty không quy định các trường hợp điều chuyển công tác nhân viên vì lý do nhu cầu sản xuất kinh doanh (theo quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP) nên việc điều chuyển của công ty là trái luật. Việc NLĐ bị ảnh hưởng bởi quyết định này và phải ngừng việc không bị xem là tự ý bỏ việc. Bên cạnh đó, theo thư mời, phiên họp xử lý KLLĐ diễn ra lúc 14 giờ 30 phút nhưng biên bản lại ghi là 8 giờ 30 phút. Mặc dù công ty giải thích giờ họp thay đổi và anh Khoa có tham gia, song biên bản họp không có chữ ký của NLĐ nên theo tòa công ty không chứng minh được sự có mặt của NLĐ tại cuộc họp. Do vậy, tòa xử công ty thua kiện và phải bồi thường cho NLĐ.
Luật sư NGUYỄN THANH THANH, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thanh và Cộng sự:
2 đối tượng được chủ trì họp xử lý kỷ luật
Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH đã quy định rõ 2 đối tượng được chủ trì họp xử lý KLLĐ là NSDLĐ và người được ủy quyền ký HĐLĐ. Đối tượng khác ngoài 2 đối tượng trên chủ trì họp xử lý KLLĐ đều trái pháp luật. Do đó, việc công ty nói có thể ủy quyền cho bất cứ ai để chủ trì họp xử lý KLLĐ là không đúng.
Bình luận (0)