Theo các chuyên gia lao động, đáng lo hơn cả là hầu hết công nhân Việt Nam đều bước vào nhà máy trong tư thế "chưa biết gì về công việc". Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) phải mất rất nhiều thời gian, tiền của để đào tạo nghề cho NLĐ. Với đội ngũ lao động đã có bằng cấp hay chứng chỉ nghề, công tác đào tạo của nhà trường hiện nay vẫn chưa gắn với thực tiễn, còn nặng về lý thuyết khiến sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa thể làm được ngay. Cùng với đó nhiều nguyên nhân khác như công cụ hỗ trợ để tăng năng suất còn lạc hậu; DN chưa tạo được môi trường làm việc và cơ chế thu hút nhân tài, chế độ lương thưởng chưa bảo đảm đời sống NLĐ không khuyến khích họ làm việc.
Ảnh minh họa
Chia sẻ các giải pháp về vấn đề nâng cao năng suất lao động, bà Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty May 10, cho biết trước hết là CĐ phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục NLĐ thấu hiểu các khó khăn, giúp họ thấy được trách nhiệm trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng công việc, đồng thời nâng cao trình độ quản lý, khả năng tổ chức sản xuất và đầu tư công nghệ. Bà cho rằng kiến thức, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam không yếu, nhưng thiếu tự tin vào năng lực bản thân. Do đó giúp NLĐ tự tin phát huy năng lực là trách nhiệm của DN. "Tại Tổng Công ty May 10, mỗi khi áp dụng một công nghệ sản xuất mới, công ty đều thông báo rộng rãi đến NLĐ và vận động họ đăng ký tham gia thử nghiệm sử dụng công nghệ mới. Những lao động này sẽ được huấn luyện để sử dụng máy móc mới trong thời gian nhất định. Cùng với đó là DN có chính sách khen thưởng thích đáng cho những công nhân đạt yêu cầu. Kết quả là đã thúc đẩy được nhiều công nhân chấp nhận thử thách và chính họ sẽ trở thành đội ngũ lao động nòng cốt, hướng dẫn và tạo động lực cho những công nhân khác. Điều đó cho thấy, NLĐ Việt Nam giỏi, chỉ cần đào tạo họ đúng cách và cho họ cơ hội phát triển bản thân thay vì cưỡng ép theo định mức nhất định nào đó" - bà Dân khẳng định.
Để cải thiện năng suất lao động, theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: vốn, khoa học - công nghệ và con người. Trong đó, quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo đảm bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật. "Trong việc thúc đẩy năng lực của NLĐ, bản thân DN cần chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc để NLĐ chủ động nâng cao năng suất, từng bước cải thiện năng suất lao động của DN qua từng năm. Bên cạnh đó, DN cần có cơ chế khuyến khích, khen thưởng để tạo động lực cho NLĐ làm việc" - ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Bình luận (0)