Sáng 8-5, tại khách sạn Pan Pacific (Hà Nội), trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018.
Tiếp nối thành công của những năm trước, báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018, với tựa đề "Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất", tập trung vào chủ đề năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.
Vì lý do đó, báo cáo năm nay, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi NSLĐ trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 bao gồm 7 chương và 2 phụ lục. Nội dung báo cáo đi sâu phân tích tổng quan kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam năm 2017, từ đó tập trung phân tích NSLĐ Việt Nam trên các khía cạnh: đặc điểm, mức độ tăng lương và NSLĐ tại Việt Nam, xu hướng tham gia thị trường lao động, một số tồn tại khiến năng suất lao động thấp và khuyến nghị cải thiện. Kết quả nghiên cứu của VERP cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia. Đặc biệt các ngành có năng suất thực sự "đội sổ" bao gồm "chế biến chế tạo", "xây dựng" và "logistics" cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa.
Ngoài ra, trong một thập niên gần đây năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu.Trong khi đó, theo VERP, việc điều chỉnh liên tục lương tối thiểu (LTT) dẫn tới làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). Hệ lụy là DN tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó khi LTT tăng.
Kết quả là một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức và không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng. Họ cũng có khuynh hướng ít được hưởng bảo hiểm xã hội hơn. Điều này cho thấy nguy cơ năng suất không được cải thiện trong tương lai đi cùng với nhiều rủi ro hơn.
Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Campuchia, thấp đội sổ trong khu vực (ảnh minh họa)
Từ nghiên cứu này, VERP cho rằng còn nhiều bất cập làm cản trở khả năng lan tỏa NSLĐ. Một trong những vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường, cấu trúc thị trường chưa được hoàn thiện…
Dự báo về "Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2018 và khuyến nghị chính sách", nhóm tác giả cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô ngắn hạn của Việt Nam. Theo đó, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nhiều khả năng đạt 6,83% năm 2018, với mức lạm phát cả năm 4,21%. Trong một kịch bản bất lợi hơn, tăng trưởng chỉ đạt mức 6,49% và lạm phát chỉ tương đối ổn định ở mức 3,86%.
VERP cho rằng, xét về dài hạn, cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của mọi chính sách cải cách. Xét riêng trên khía cạnh thị trường lao động, còn cần nhiều nỗ lực để thị trường trở nên hiệu quả hơn, góp phần giúp lao động được tái phân bổ nhanh hơn, và giúp người lao động (NLĐ) cải thiện năng suất nhanh hơn.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam, được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan. Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của đại học Quốc gia Hà Nội về "Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam".
Báo cáo năm nay do PGS. TS Nguyễn Đức Thành và GS. TS. Ohno Kenechi (Nhật Bản) đồng chủ biên, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.
Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2017, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý 1 - 2018.
Bình luận (0)