Trong 10 cá nhân được xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, anh Phan Trường Phát (SN 1983), nhân viên Phòng Kế hoạch đầu tư Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn), là người sở hữu bảng thành tích đáng nể. Chín năm gắn bó với công ty, cùng hàng loạt sáng kiến có tính ứng dụng cao, anh đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục tỉ đồng.
Vượt khó để sáng tạo
Lần đầu tiếp xúc với anh Phát, cảm nhận của tôi về anh là sự khiêm tốn và tinh thần ham học hỏi. Đó cũng là lý do anh luôn được ban giám đốc và đồng nghiệp quý trọng.
Anh Phan Trường Phát (trái) hướng dẫn đồng nghiệp cách vận hành tủ năng lượng mặt trời
Tốt nghiệp ngành điện dân dụng và công nghiệp (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thủ Đức) nhưng thời gian đầu về làm việc cho công ty, anh Phát gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, anh lại xem đó là thử thách để khẳng định mình. Thay vì ở văn phòng, anh chịu khó lặn lội theo anh em công nhân (CN) ra thực địa để có thể sớm tiếp cận công việc, đặc biệt là tìm hiểu cách vận hành các thiết bị. Chính những va chạm với thực tế đã giúp Phát nhận diện được những bất cập trong công việc, đặc biệt là khó khăn của anh em CN. Đó cũng là cơ sở để anh cho ra đời nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao.
Một trong những sáng kiến giúp Phát khẳng định được năng lực chuyên môn là "Gia công pin nguồn sử dụng cho thiết bị truyền tín hiệu của đồng hồ tổng DMA". Đồng hồ đo lưu lượng ABB và nhiều thiết bị khác như Cello XO, Cello MK4 và Regullo hầu hết được công ty nhập khẩu từ nước ngoài. Pin nguồn cung cấp cho các thiết bị này hoạt động vì thế cũng nhập khẩu với chi phí rất cao và mất thời gian. Trong khoảng thời gian chờ cung cấp pin mới sẽ không theo dõi được áp lực nước, lưu lượng nước qua DMA, từ đó dẫn đến hiệu quả về quản lý mạng lưới không cao, gây thất thoát nước khi có sự cố do hệ thống không theo dõi được. Từ thực trạng như trên, anh Phát nảy sinh ý tưởng gia công ra một loại pin có cùng thông số kỹ thuật như pin chính hãng để cung cấp cho thiết bị hoạt động với chi phí thấp hơn. Bỏ ra gần nửa năm trời mày mò, sản xuất thử nghiệm và đưa vào sử dụng, anh Phát đã cho ra lò loại pin mới với giá chỉ bằng 1/10 pin chính hãng. Sáng kiến độc đáo này không chỉ giúp công ty chủ động hơn trong việc theo dõi, vận hành và bảo trì thiết bị mà còn tiết kiệm được hơn 1,1 tỉ đồng cho một lần thay pin. Được đồng nghiệp ngợi khen song anh Phát khiêm tốn nói: "Phát hiện những bất cập trong công việc và tìm cách khắc phục tốt nhất là trách nhiệm của người thợ. Tôi chỉ suy nghĩ làm sao công việc vận hành trơn tru, đem lại lợi ích cho tập thể là được, không quan trọng sáng kiến lớn hay nhỏ".
Cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì làm
Những lần tham gia vệ sinh hầm chứa đồng hồ tổng (DMA) dưới lòng đất, Phát thấy anh em CN gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý các sự cố phát sinh khi vận hành van giảm áp. Nguyên nhân là do điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là vị trí đặt thiết bị (bộ phận đo đọc áp lực) chưa hợp lý.
Trăn trở trước thực tế đó, anh Phát đề xuất sáng kiến "Thay thế thiết bị điều khiển bằng 2 bộ pilot gắn song song". Dời các pilot lên tủ tín hiệu DMA đặt trên mặt đất, đồng thời gắn thêm các timer (thiết bị điều khiển hẹn giờ), việc vận hành van giảm áp được tự động hóa ở mức độ cao hơn. Sáng kiến này không chỉ tự động hóa hoàn toàn công đoạn vận hành van giảm áp mà còn giảm rủi ro cho CN. Chỉ tính riêng việc nghiên cứu các timer để thay thế các regulo nhập khẩu (giá 160 triệu đồng/bộ), sáng kiến của anh Phát đã giúp công ty tiết kiệm được 12,6 tỉ đồng. Anh cũng là tác giả sáng kiến "Gia công pin nguồn sử dụng cho thiết bị truyền tín hiệu của đồng hồ tổng DMA", ra đời từ thực trạng pin của các thiết bị đo lưu lượng đa phần nhập khẩu từ nước ngoài có chi phí cao và mất thời gian chờ nhập. Bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, anh đã cho ra mắt sản phẩm pin mới, tiết kiệm cho đơn vị gần 1,2 tỉ đồng mỗi đợt thay pin (2 năm/lần).
Nhiều đồng nghiệp quý anh Phát ở tinh thần lăn xả trong công việc, không ngại khó, ngại khổ. Đặc biệt, những CN trẻ ở công ty luôn dành cho anh sự tôn trọng lớn bởi anh không bao giờ giấu nghề. Phát xem việc truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng cho thợ trẻ vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm. Từ năm 2016 đến nay, anh đã trực tiếp kèm cặp, đào tạo 80 CN. Nhờ sự tận tình hướng dẫn của anh, nhiều CN trẻ có sự trưởng thành vượt bậc trong nghề.
Kỳ tới: Thỏa mãn đam mê
Bình luận (0)