Tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng năm 2011, anh Nguyễn Chánh Thi về đầu quân cho Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM). Tám năm gắn bó với doanh nghiệp (DN), chàng nhân viên cơ điện - công nghệ túi đã sở hữu bảng thành tích đáng nể với 10 sáng kiến có tổng giá trị làm lợi hàng chục tỉ đồng. Điều đáng khâm phục là những sáng kiến ấy liên quan nhiều đến lĩnh vực chế tạo máy và tự động hóa chứ không liên quan nhiều đến chuyên ngành mà Thi đã học.
Siêng tìm tòi, sáng tạo
Chân ướt chân ráo vào công ty, Thi được bố trí làm việc ở bộ phận khuấy trộn, sau đó là bộ phận công nghệ túi ở nhà máy. "Công việc thực tế khác xa những kiến thức đã học khiến tôi không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đó cũng là động lực để tôi phấn đấu, trang bị thêm kỹ năng và kiến thức cho bản thân" - Thi kể.
Nhờ chịu khó học đồng nghiệp đi trước và tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện nên Thi nắm bắt rất nhanh cấu tạo, nguyên lý hoạt động của thiết bị cũng như cách bảo trì, khắc phục sự cố. Nỗ lực không mệt mỏi đó không chỉ giúp Thi tiếp cận công việc nhanh chóng mà còn trang bị cho anh nền tảng kỹ thuật chắc chắn trong lĩnh vực cơ điện để từ đó cho ra đời nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn cao. Sáng kiến "Zero hư hỏng cụm truyền động xích máy Mespack 2" thực hiện vào năm 2013 đã ghi dấu ấn đầu tiên của chàng nhân viên cơ điện đam mê sáng tạo này. Theo dõi vận hành máy vào thời điểm đó, Thi nhận thấy cụm truyền động xích máy Mespack 2 thường xuyên hư hỏng. Chu kỳ 3 tuần/lần phải tiến hành thay thế thiết bị, mỗi lần thay thế phải ngừng máy gần 1 giờ. Điều này không chỉ gây tốn kém chi phí mua thiết bị mà còn ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của nhà máy. Qua nghiên cứu cấu tạo của máy, anh phát hiện lỗi là do sai sót từ thiết kế ban đầu. Nhà sản xuất đã dùng Teflon để dẫn hướng xích truyền động, với thời gian hoạt động liên tục Teflon sẽ mòn, làm dây xích chùng dẫn đến máy báo lỗi và dừng thiết bị. Để khắc phục khiếm khuyết này, Thi đã đề xuất thay thế Teflon bằng bánh nhông. Sau khi áp dụng sáng kiến, tình trạng hư hỏng của máy được khắc phục, tuổi thọ thiết bị dài hơn, sau 4 năm mới phải thay thế bánh nhông một lần. Sáng kiến này đã làm lợi cho DN 450 triệu đồng/năm. Thành công đầu tay này đã tạo thêm tự tin và động lực để Thi phát huy khả năng sáng tạo của bản thân bằng nhiều sáng kiến sau đó.
Sáng tạo không ngừng giúp Nguyễn Chánh Thi ngày càng trưởng thành trong nghề nghiệp
Chỗ dựa của thợ trẻ
Với Nguyễn Chánh Thi, thực hiện sáng kiến là đam mê vừa là cách thể hiện trách nhiệm trong công việc. "Giúp công ty tiết kiệm chi phí, tăng năng suất sản xuất, đặc biệt góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động là mục tiêu tôi hướng đến khi bắt tay thực hiện sáng kiến" - Thi bộc bạch.
Là người cầu toàn nên trong mỗi sáng kiến, Thi đều đặt mục tiêu khá cao, đó là phải khắc phục được lỗi, nâng cao tuổi thọ và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của thiết bị. Điều này thể hiện rõ trong 2 sáng kiến nối tiếp nhau thực hiện năm 2017 và 2018 của anh. Năm 2017, công ty có kế hoạch tung ra thị trường loại sản phẩm Omo túi 4 kg. Tuy nhiên, dây chuyền đóng gói tự động Leepack hiện có của nhà máy chỉ chạy được các loại sản phẩm từ 2,7 kg, tương ứng với chiều ngang túi lớn nhất là 260 mm và sử dụng 10 bộ tay kẹp túi, không thể đáp ứng chiều ngang túi 290 mm của túi Omo 4 kg. Điều này đồng nghĩa với việc phải mua máy mới và công ty phải tốn một khoản đầu tư rất lớn. Qua nghiên cứu kỹ cấu tạo và cách vận hành máy, Thi đề nghị thiết kế giảm bớt số lượng tay kẹp túi từ 10 bộ xuống còn 5 bộ để tăng thêm độ rộng tay kẹp. Sau vài lần thử nghiệm, sáng kiến "Cải tiến trên dây chuyền đóng gói tự động Leepack để sản xuất túi Omo 4 kg mới" thành công. Máy có thể đóng gói được các loại túi có kích cỡ khác nhau với công suất không giảm, giúp dự án đưa vào thực hiện sớm 4 tháng, góp phần làm lợi cho công ty 1,7 tỉ đồng/năm. Trong quá trình áp dụng sáng kiến trên, phát hiện trung bình phải mất 12 giây để máy rót đầy một túi sản phẩm 4 kg và sự hạn chế nằm ở cụm vòi chiết rót, Thi đề xuất cải tiến tăng số lỗ trong vòi rót sản phẩm (từ 19 lên 37 lỗ), giúp dây chuyền đóng gói tăng 60% công suất.
Không chỉ giỏi nghề, đam mê sáng kiến, Thi còn là một người anh, người đồng nghiệp tận tâm. "Thợ trẻ vào làm việc được anh Thi chỉ dạy rất tận tình, trách nhiệm và điều đó giúp chúng tôi nhận ra hạn chế của bản thân để khắc phục. Anh ấy chính là chỗ dựa tinh thần cho thợ trẻ" - anh Ngô Minh Sang, nhân viên bộ phận cơ điện, nhận xét.
Ông NGUYỄN ANH PHONG, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam:
Nỗ lực không ngừng
Đam mê sáng tạo và ý chí vươn lên đã giúp Nguyễn Chánh Thi đạt được độ chín nghề nghiệp. Với anh, sáng tạo vừa là lẽ sống vừa là đam mê. Những sáng kiến có giá trị ứng dụng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho DN đã giúp Thi khẳng định chỗ đứng vững chắc tại DN, đồng thời trở thành điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi của đơn vị. Sống hết mình với nghề, với DN và anh em công nhân, Thi xứng đáng được tôn vinh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-8
Kỳ tới: Khát khao cống hiến
Bình luận (0)