"Hà là thợ mẫu giỏi, yêu nghề, đặc biệt rất sáng tạo. Thời gian rỗi, chị thường mày mò, tìm cách tạo ra những sản phẩm mới, giúp hợp tác xã (HTX) gây ấn tượng với khách. Hà cũng là công nhân (CN) đầu tiên tại HTX được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng nên ban giám đốc và tập thể lao động rất tự hào về chị". Ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn HTX Mây tre lá Ba Nhất, nhận xét về chị Nguyễn Thị Thúy Hà - một trong 10 cá nhân được đề cử Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019.
Tự hào với nghề truyền thống
Chị Hà sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - địa phương nổi tiếng với nghề đan cói mỹ nghệ truyền thống. Ông bà, cha mẹ đều mưu sinh bằng nghề đan cói nên từ nhỏ, chị đã được học cách làm những sản phẩm đơn giản. Mẹ là nghệ nhân có tiếng ở địa phương nên chị ước ao lớn lên sẽ nối tiếp nghề truyền thống, trở thành thợ đan cói giỏi như mẹ.
Ngay từ nhỏ đã xác định sẽ theo nghiệp của gia đình nên chị rất nghiêm túc học nghề. Thế nhưng, chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ vào Nam lập nghiệp. Năm 2001, khi HTX Mây tre lá Ba Nhất ra Ninh Bình thu mua nguyên liệu, chị mới biết trong Nam cũng phát triển nghề truyền thống này. Phần vì hiếu kỳ, phần muốn tích lũy kinh nghiệm, chị quyết định xin vào làm việc tại HTX Mây tre lá Ba Nhất. Chỉ sau thời gian ngắn gắn bó với HTX, chị nhận thấy đây là môi trường làm việc mà bản thân có thể phát huy sự sáng tạo và lòng yêu nghề. "HTX là nơi tôi có thể thỏa sức sáng tạo, làm ra những sản phẩm mới chứ không đơn thuần là người làm công. Do vậy, tôi quyết định gắn bó lâu dài, đến nay cũng đã gần 20 năm. Cũng tại đây, tôi gặp gỡ và quen biết anh ấy, là ông xã của mình bây giờ" - chị cười.
Chị Hà là trường hợp đặc biệt khi vào HTX không cần phải thử việc mà đảm trách luôn công việc của thợ chính bởi chị đã có nghề. Nếu như ở quê chỉ đan cói thì ở HTX, chị phải học cách đan bằng nhiều nguyên liệu khác như lục bình, lá buông, mây, bồn bồn. Bằng sự tinh tế và khéo léo, chị Hà đã nhanh chóng thích ứng với công việc. Không chỉ vậy, sau một thời gian thử thách, chị được HTX tin tưởng giao làm tổ trưởng tổ làm hàng mẫu. Là người thợ yêu nghề nên ngoài thời gian làm việc tại HTX, chị còn nhận thêm hàng về nhà làm những lúc rảnh rỗi. Chỉ đến khi gia đình chuyển về Bình Dương sinh sống, chị mới thôi không nhận sản phẩm về nhà làm. Chị cho biết: "Nhiều lúc thấy tôi cứ luôn tay luôn chân làm việc, ông xã cứ khuyên tôi nghỉ, chuyển qua buôn bán cho gần nhà nhưng tôi từ chối vì bản thân thực sự thích công việc này và tự hào với nghề truyền thống của gia đình".
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà kiểm tra nguyên liệu tại tổ làm hàng mẫu
Thổi hồn vào sản phẩm
Với bề dày kinh nghiệm trong nghề, chị Hà luôn thuyết phục đồng nghiệp bởi thao tác thuần thục, chính xác. Trò chuyện với chúng tôi nhưng tay chị vẫn thoăn thoắt đan. Những dây lục bình đơn điệu qua đôi bàn tay khéo léo của chị trở thành những chiếc chén có nắp đậy xinh xắn. "Công việc này cần nhất là kinh nghiệm và sự kiên nhẫn bởi có nhiều sản phẩm mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện, có khi vài ngày mới xong. Là tổ làm sản phẩm mẫu nên để tạo ra những sản phẩm mới, làm hài lòng khách hàng, ngoài sự lành nghề thì CN còn phải có óc sáng tạo" - chị Hà nói.
Luôn hướng đến sự hoàn thiện của sản phẩm là suy nghĩ của nữ CN yêu nghề này. Đôi khi với một sản phẩm, chị phải thử đan bằng nhiều nguyên liệu khác nhau để tìm ra thành phẩm tối ưu, tiện dụng và có độ thẩm mỹ cao nhất. Nhờ sự chỉn chu ấy mà chị liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng, được khách hàng ưa chuộng. Điển hình như sáng kiến đan bồ đựng trái cây bằng dây lục bình và cói. Đây là 2 nguyên liệu đặc trưng ở Việt Nam, không cần nhiều vốn nên giá thành sản phẩm vừa phải. Sản phẩm này cũng dễ sản xuất đại trà, đặc biệt là thân thiện với môi trường nên khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng, đặt hàng với số lượng lớn, làm lợi hàng trăm triệu đồng cho đơn vị. Gắn bó với HTX gần 20 năm, chị Hà không nhớ mình đã tạo ra được bao nhiêu sản phẩm làm lợi cho HTX. Tuy không phải sản phẩm nào cũng được đưa vào sản xuất hàng loạt nhưng chị không nản chí bởi được làm công việc mình mơ ước, được thỏa sức sáng tạo đã là hạnh phúc. "Tìm tòi và sáng tạo ra cái mới là trách nhiệm của người thợ. Tôi chỉ mong đóng góp chút sức lực nhỏ nhoi vào việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của quê hương. Do vậy, hay tin được xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng, tôi vô cùng hạnh phúc" - chị Nguyễn Thị Thúy Hà bộc bạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-8
Kỳ tới: Hết lòng với nghề
Bình luận (0)