Tại phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về chính sách BHXH, ngày 6-6, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng cần tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm. Nếu tiếp tục đóng BHXH 20 năm người lao động sẽ không đợi được, nhất là những ngành lĩnh vực ngành thâm dụng lao động (giày da, dệt may) kéo dài 20 năm, nam đủ 62 tuổi sẽ khó. Quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH là giảm xuống 15 năm hoặc 10 năm theo thông lệ quốc tế, tương ứng là đóng ít hưởng ít, bên cạnh đó nguyên tắc chia sẻ có nguyên tắc đóng hưởng và bình đẳng.
Theo nhiều chuyên gia, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm là ý tưởng hay, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu là quá lâu. Do vậy, đi kèm với giảm năm đóng cần giảm tuổi hưởng, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu
Một bạn đọc đặt câu hỏi: "Những người đã đóng trên 30 năm BHXH chưa đủ tuổi do quy định quá cao thì giải quyết ra sao? Ban soạn thảo cần giải thích rõ ràng để người tham gia an tâm". Theo nhiều bạn đọc, nếu giảm số năm đóng BHXH mà cũng giảm luôn lương hưu thì thôi đừng giảm bởi có giảm thì người lao động vẫn rút BHXH sớm. Một bạn đọc tên Luyến thẳng thắn bày tỏ: "Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm mà không giảm tuổi hưu, thì chẳng khác nào khống chế người lao động không được rút BHXH 1 lần khi đóng qua 15 năm thôi".
Đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần
Dự thảo luật BHXH sửa đổi nêu, người lao động yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần khi đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư.
Bên cạnh đó, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; Người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thuộc trường hợp quy định của Bộ Y tế nếu yêu cầu sẽ được rút BHXH một lần.
Về quy định hưởng BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH nêu ra hai phương án: Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự luật BHXH sửa đổi nêu quan điểm giới hạn chặt hơn việc rút BHXH một lần.
Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Một bạn đọc giấu tên đặt câu hỏi: "Đóng 35 năm BHXH lương còn không đủ sống, đóng 15 năm lương được bao nhiêu, bao nhiêu người có nhu cầu đóng BHXH muộn 15 năm bao nhiêu người trên từ 40 tuổi trở lên được doanh nghiệp tuyển vào làm việc? Bộ LĐ-TB-XH có thống kê được con số đó bao nhiêu không. "Nói là đóng 15 năm để tạo điều kiện cho người tham gia đóng BHXH muộn có cơ hội hưởng lương hưu vậy số người đóng trên 15 năm muốn được hưởng lương hưu sao Bộ LĐ-TB-XH không cho họ cơ hội chắc chắn 99.99% số người có nguyện vọng lĩnh lương hưu khi đóng trên 15 năm rất nhiều hơn so với số người có nguyện vọng tham gia BHXH muộn 15 năm"- bạn đọc này viết.
Theo nhiều bạn đọc, thực trạng rút BHXH một lần không phải là do số năm đóng BHXH mà là do tuổi nghỉ hưu quá cao trong khi người lao động ngoài nhà nước đa phần bị đào thải khi bước sang tuổi 40, rất rất nhiều doanh nghiệp cho công nhân thôi việc...rồi tuyển lại tuổi 18-25. Ngoài 40 mất việc họ không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống nên BHXH là chổ bám víu nên rút 1 lần. Chứ nếu đóng đủ 15 năm là được lĩnh lương hưu ngay khi mất việc thì cũng chả ai rút cho dù có thấp cũng tạm rau cháo qua ngày chờ tìm việc làm mới. Đằng này đợi đến 60 hay 62 tuổi sao mà đợi.
Thăm dò ý kiến
Có nên giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)