Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH, tập trung vào các vấn đề tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu. Theo nhiều bạn đọc, thực tế cho thấy đa số người lao động chủ yếu làm việc trong ngành giày da và may mặc. Vậy họ có trụ nổi ở doanh nghiệp được đến 55 tuổi để tham gia BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu không, bởi vì đây là hai ngành nghề luôn yêu cầu trẻ hóalao động mới phù hợp được với nhu cầu việc làm.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Thu cho biết: "Tôi làm quản lý 1 nhóm thợ cơ khí chính xác khoảng 50 người và đa số họ đều canh gần tới năm quy định là nghỉ để rút BHXH 1 lần làm xáo trộn công việc. Nay Bộ LĐ-TB-XH đề xuất hạ năm đóng BHXH, theo tôi nghỉ chỉ áp đặt những người đã lỡ đóng quá 15 năm không rút được thôi còn những người chưa đủ 15 năm họ sẽ tìm cách nghỉ để rút nhiều hơn. Bản thân tôi có ý kiến đóng đủ 20 năm và 50 tuổi trở lên thì cho người lao động được hưởng lương hưu nếu họ có yêu cầu. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít". Bạn đọc Trần Minh Phú chua chát: "Tôi mất việc 48 tuổi, tham gia BHXH trên 23 năm .Bây giờ lãnh 1 lần và lãnh lương hưu cũng không được, thất nghiệp đến nay đã 3 năm vì xin việc không một ai nhận, lý do lớn tuổi rồi. Các con tôi vẫn còn đi học , cuộc sống khó khăn vô cùng".
Hai người vào thì một người ra
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người về một cục lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên
Bạn đọc Huỳnh Thanh Tâm bày tỏ: "Ai cũng muốn có lương hưu khi về già, nhưng tuổi hưu cao quá ai mà đợi cho được. Chỉ có giảm tuổi hưu thì người lao động sẽ không rút BHXH 1 lần mà đợi tới tuổi hưu để lãnh. Chứ quy định 62 tuổi thì người ta khó khăn phải rút để sống, chứ đợi sao nổi?". Góp ý hoàn thiện Luật BHXH, bạn đọc Phan Lưu đề xuất: "Theo tôi không nên giới hạn tuổi nghỉ hưu mà chỉ nên đóng đủ 35 năm vào quỹ BHXH thì hưởng hưu trí 75%, thiếu năm thì bị trừ %. Có như vậy mới hấp dẫn người lao lao động yên tâm đóng vào quỹ". Với bạn đọc Hoàng Gia, nên có lối mở cho người đóng BHXH hưởng lương hưu sớm hơn. Chẳng hạn như người lao động trên 50 tuổi nếu đủ thời gian tham gia BHXH thì có quyền được nghỉ hưu. Tiền lương hưu căn cứ vào mức đóng trên nguyên tắc là đóng nhiều hưởng nhiều. Không nhất thiết phải giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm trong khi phải chờ đến 62- 60 tuổi mới được hưởng lưo7ng hưu,
Một bạn đọc Bình đưa ra phương án: "Tôi đồng ý đóng đủ 35 năm được quyền nghỉ hưu hưởng 75 %, ai đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít. Với bạn đọc Nguyễn Đăng Khoa, cứ nam 55, nữ 50 đóng đủ 25 năm BHXH ai có nhu cầu nghỉ hưu thì cho nghỉ và trừ %. Còn muốn hưởng đủ 75% thì theo qui định hiện hành". Bạn đọc Nguyễn Phước Hậu góp ý: "Để giảm rút BHXH 1 lần, tôi có ý kiến cá nhân như sau: 1.Giữ nguyên số năm đóng BHXH là 20 năm mới được lãnh lương hưu. 2.tuổi lãnh lương hưu do người lao động chọn theo khung qui định: 2.1 nghỉ hưu 50 tuổi thì sẽ được lãnh % ít. 2.2 nghỉ hưu 55 tuổi thì được lãnh % nhiều hơn tí. 2.3 nghỉ hưu 60 tuổi thì được lãnh % nhiều hơn".
Bình luận (0)