Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết "Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Hãy xuống làm công nhân 1 ngày!" và nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Một bạn đọc Tuấn góp ý: "Ban soạn thảo sửa Luật BHXH lần này nên đi sát với thực tế của người lao động. Ví dụ không thể đánh đồng tuổi nghỉ hưu của người lao động là cán bộ công chức viên chức với người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước đơn vị sự nghiệp với các đối tượng lao động là lãi xe bảo vệ tạp vụ được. Thay vào đó nên cần có chế độ nghỉ hưu đa tầng". Một bạn đọc tên Hồ bày tỏ: "Cứ thử xuống làm công nhân 1 ngày đứng suốt 8 giờ lao động không được ngồi đâu ạ, ròng rã suốt xem có thấy mòn mỏi, ngã quị không?".
Bạn đọc Thuận Nguyễn chia sẻ: "Cũng không cần nói nhiều các nhà làm luật cứ lấy thống kê mấy công ty may mặc, giày da và cơ khí xem còn bao nhiêu phần trăm công nhân trên 55 tuổi sẽ rõ vấn đề ngay". Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Văn Hưng nói: "Tôi rất đồng ý với nhiều bạn đọc. Còn một khía cạnh nữa là người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp gia đình khi chấm dứt hợp đồng lao động họ còn không có chế độ khác ngoài việc doanh nghiệp tốt thì thanh toán đủ lương, và cầm sổ BHXH về. Vậy không rút BHXH 1 lần mới lạ".
Bạn đọc Ngọc Sang hiến kế: "Đề nghị sửa Luật BHXH theo định hướng mới của xã hội. Nâng tỉ lệ tiền đóng hàng tháng lên. Lấy mốc tối thiểu 15 hay 20 năm, tối đa 30 năm đóng BHXH thì được quyền nghỉ với mốc tối đa 75%. Lấy cơ sở năm đóng BHXH để tính tỉ lệ lương hưu. Không tính tuổi vì số tiền được nhận khi nghỉ hưu là số tiền " lãi " tiết kiệm mà ngưòi lao động tích lũy hàng tháng nộp vào BHXH". Tương tự, theo bạn đọc Huỳnh An, cứ đóng đủ 15 hoặc 20 năm để người lao động tự quyết lãnh lương hưu hay đóng tiếp, ai không có khả tham gia BHXH nữa thì họ có thể lãnh lương hưu bao nhiêu % cũng đc. Cứ đóng ít hưởng ít vậy thôi Một bạn đọc tên Khánh viết: "Luật nên quy định theo hướng mở về tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng bảo hiểm, để mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực phấn khởi tham gia. Ai có hoàn cảnh nghỉ hưu sớm thì cho họ nghỉ, ai muốn làm thì làm, tiền của họ nên để họ quyết định.". Bạn đọc tên Tâm phân tích: "Theo cá nhân tôi thì có 2 vấn đề lớn, cơ bản cần xem xét. 1.Giảm năm đóng để hưởng lương hưu nghe có lợi nhưng thực sự vẫn là sau vài chục năm nữa khi đủ 62 tuổi. Cái được giảm xuống 15 năm đóng thì càng chờ lâu hơn. Cái cơ bản là con số 62. 2. Cũng đóng BHXH như nhau nhưng lại tồn tại 2 chế độ tính mức lương bình quân (5 năm cuối và bình quân cả quá trình)".
Theo nhiều bạn đọc, cần thiết lập độ tuổi nghỉ hưu theo từng ngành nghề công việc làm, chứ cào bằng như vậy thì không ổn. "Tôi là kỹ sư xây dựng nhưng có lẽ cũng chỉ làm được đến ngoài 50 tuổi là không thể làm được rồi, mà nhà tuyển dụng họ cũng không còn tuyển dụng nữa vì mắt mờ chân chậm rồi, sao còn theo nghề được nữa"– một bạn đọc viết.Bạn đọc Đỗ Văn Bích góp ý: "Theo dõi thời gian qua tôi thấy các nhà quản lý Nhà nước và các nhà làm luật về BHXH đều viện dẫn các số liệu về số năm đóng BHXH của các đối tượng đã nghỉ hưu giai đoạn vừa qua để cho rằng hầu hết họ đều đóng đủ và vượt số năm đóng theo quy định và không có nguyện vọng nghỉ hưu sớm để làm cơ sở phân tích và sửa đổi luật. Theo tôi, các số liệu về tình hình đóng BHXH giai đoạn từ những năm trước 1990 và được nghỉ hưu gần đây đều xuất phát từ nhóm cán bộ, công nhân viên hưởng lương nhà nước và lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước trong khi đó từ những năm 2000 trở đi các lao động chiếm đại đa số là trong các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân,.. đang tham gia BHXH đều chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu. Để có một chính sách đúng, khả thi thì các nhà quản lý, soạn luật hãy lắng nghe từ người lao động". Theo bạn đọc tên Hải, luật nên giữ nguyên như trước đây, nam 60 đóng đủ 30 năm, nữ 55 đóng đủ 25 năm là được nghỉ hưu và hưởng 75% là phù hợp nhất.
Giảm tuổi hưu sẽ hạn chế rút BHXH một lần
Hiến kế hoàn thiện chính sách, bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh cho rằng cần chia đối tượng lao động ra làm nhiều loại để áp dụng thời gian nghỉ hưu phù hợp, không duy ý chí, đánh đồng người lao động nặng, độc hại, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo với người ngồi bàn giấy "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu". Công nhân lao động sức đâu mà làm đến 60, 62 tuổi. Mà cho dù còn sức thì cũng không có doanh nghiệp nào để cho làm, họ sa thải từ hồi 45, 50 tuổi kia".
Bình luận (0)