Nghỉ việc từ tháng 4-2021 nhưng hơn 1 năm sau, chị Trần Thị Nhiển, công nhân Công ty TNHH May mặc Sản xuất Quang Thái (quận Bình Tân, TP HCM), mới được trả sổ BHXH. Sau đó, chị Nhiển đi làm thủ tục hưởng BHXH một lần thì bị cơ quan BHXH từ chối giải quyết với lý do công ty đang nợ BHXH. Theo BHXH TP HCM, tính đến tháng 8-2023, công ty này nợ BHXH 39 tháng với tổng số tiền gần 11,4 tỉ đồng.
Quyền lợi chính đáng bị xâm phạm
Chị Nhiển bắt đầu làm việc và tham gia BHXH tại công ty từ tháng 2-2016. Tháng 4-2021, chị Nhiển sinh con và xin nghỉ việc luôn. Do công ty không giao quyết định thôi việc và trả sổ BHXH nên chị không thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Sau nhiều lần liên hệ với giám đốc công ty yêu cầu khắc phục nợ BHXH bất thành, đầu năm 2023, chị Nhiển quyết định xin trở lại công ty làm việc.
Theo chị Nhiển, mục đích của chị khi trở lại làm việc là để tiếp cận chủ doanh nghiệp (DN) nhằm yêu cầu khắc phục nợ BHXH. Cứ 1-2 ngày, chị gặp giám đốc công ty để hỏi khi nào đóng đủ BHXH thì nhận được câu trả lời giống nhau là "chúng tôi đang rà soát lại". Suốt mấy tháng đòi nợ, kết quả chị nhận được là khoản nợ BHXH cũ vẫn y nguyên, đồng thời phát sinh khoản nợ mới do công ty không tham BHXH.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn
Bị trừ lương để đóng BHXH hằng tháng nhưng không được hưởng các quyền lợi về BHXH, đặc biệt là trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi thôi việc, điều này khiến 171 lao động từng làm việc ở Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn (quận 12, TP HCM) bức xúc. Không ít lần, họ đã kéo đến công ty phản ứng. Đây là số lao động nghỉ việc trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5-2023 nhưng do công ty nợ BHXH từ tháng 9-2022, không thể chốt sổ BHXH nên họ không thể đăng ký hưởng TCTN.
Ngoài số lao động đã nghỉ việc, quyền lợi của công nhân đang làm việc cũng bị ảnh hưởng. Đơn cử như trường hợp chị H.T.K.T, sinh con từ tháng 12-2022, nay đã hết thời gian nghỉ thai sản và đi làm trở lại hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản. Theo ông Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch Công đoàn công ty, DN bắt đầu gặp khó khăn từ cuối năm 2022 dẫn đến chậm đóng BHXH và có thời điểm ngưng tham gia BHYT cho người lao động (NLĐ) khoảng 3 tháng.
Hiện tại, công ty đã khôi phục việc đóng BHYT cho NLĐ đang làm việc và khắc phục một phần nợ BHXH để chốt sổ BHXH cho những trường hợp đã nghỉ việc. Tuy nhiên, do thời gian khắc phục nợ chậm, vượt quá thời gian đăng ký hưởng TCTN khiến quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng.
Bó tay với doanh nghiệp chây ì?
Việc DN nợ BHXH không chỉ khiến NLĐ thiệt thòi quyền lợi mà còn gặp nhiều khó khăn khi đi tìm việc làm mới và tiếp tục tham gia BHXH.
Anh Nguyễn Quyết Thắng, nguyên nhân viên Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết sau khi nghỉ việc ở công ty vì bị chậm lương, nợ BHXH, anh đã tìm được việc làm mới. Phía công ty mới yêu cầu anh Thắng nộp sổ BHXH đã được chốt để làm thủ tục đóng BHXH nhưng anh không thực hiện được. T
heo anh Thắng, Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn vẫn trừ lương hằng tháng nhưng đã ngừng đóng BHXH cho NLĐ từ đầu năm 2023. Hiện công ty đang nợ BHXH khoảng 3,1 tỉ đồng. Nhiều lần anh Thắng cùng một số lao động khác đến công ty yêu cầu khắc phục nợ nhưng chỉ nhận được lời hứa qua loa. Hiện NLĐ đang chuẩn bị thủ tục khởi kiện DN ra tòa để đòi quyền lợi chính đáng.
Khởi kiện là giải pháp cuối cùng để NLĐ buộc DN phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, NLĐ thắng kiện nhưng có đòi được quyền lợi hay không lại là vấn đề khác. Chẳng hạn trường hợp của anh H.M.Q, nguyên nhân viên hành chánh - nhân sự Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận, TP HCM). Trước đó, do bị nợ BHXH suốt 5 năm 4 tháng (từ tháng 12-2016 đến tháng 4-2021) và nợ lương thời gian dài nên vào tháng 5-2021, anh Q. xin nghỉ việc.
Sau đó 1 năm, vì công ty chưa trả hết nợ lương, không chốt và trả sổ BHXH nên tháng 5-2022, anh Q. đã khiếu nại vụ việc lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Phú Nhuận. Cả 2 lần cơ quan chức năng tổ chức hòa giải, do công ty đều vắng mặt nên anh Q. khởi kiện ra tòa. Tháng 12-2022, TAND quận Phú Nhuận đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.
Theo đó, phía công ty chấp thuận trả hơn 13,5 triệu đồng tiền lương và đóng đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho anh Q. (hạn chót là ngày 31-12-2022). Thế nhưng đến nay, công ty vẫn không thực hiện cam kết. Tháng 4-2023, anh Q. đã gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Phú Nhuận nhưng hiện vẫn chưa đòi được quyền lợi chính đáng của mình.
Tăng chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị DN chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng; 440.800 NLĐ bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Để hạn chế tình trạng DN nợ BHXH, ngoài việc thêm chức năng khởi kiện cho cơ quan BHXH, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định ngừng sử dụng hóa đơn với DN trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; ban hành quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ Luật Hình sự khi DN có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH...
Mới đây, BHXH Việt Nam đã đề nghị các địa phương công khai rộng rãi DN trốn đóng BHXH, đồng thời không xét hồ sơ đấu thầu dự án công, không khen thưởng hay vinh danh DN trốn đóng BHXH.
Bình luận (0)