Từ 1-11-2020, khi Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực thì một số đối tượng giáo viên mầm non sẽ được hỗ trợ.
Giáo viên mầm non dạy ở địa bàn có KCN
Đây là đối tượng mới được Chính phủ hỗ trợ tại Nghị định số 105 năm 2020. Theo đó, giáo viên mầm non đang làm việc tại trường mần non dân lập, tư thục đã được cấp phép thành lập và hoạt động ở địa bàn có khu công nghiệp (KCN) được hỗ trợ nhưng phải đáp ứng điều kiện:
- Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non;
- Có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của trường mầm non dân lập, tư thục;
- Trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN.
Những giáo viên mầm non tư thục này được hỗ trợ tối thiểu là 800.000 đồng/tháng (Bằng chữ: Tám trăm đồng một tháng) theo số tháng dạy thực tế trong năm học.
Lưu ý: Đây là mức hỗ trợ nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa trường mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không tính đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Giáo viên được hưởng khoản hỗ trợ này từ trường dân lập, tư thục. Để được nhận khoản kinh phí hỗ trợ này, người đại diện của trường dân lập, tư thục phải thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Tháng 8, người đại diện theo pháp luật của trường mầm non dân lập, tư thục nộp trực tiếp, gửi bưu điện hoặc trực tuyến 1 bộ hồ sơ đến Phòng Giáo dục và Đào tạo gồm:
- Danh sách giáo viên được hưởng chính sách;
- Hợp đồng lao động của giáo viên được hưởng (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
Bước 2: Trong vòng 10 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ, Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định, tổng hợp danh sách giáo viên được hưởng gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 3: Trong vòng 7 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân phê duyệt danh sách và thông báo kết quả cho trường mầm non tư thục, dân lập.
Bước 4: Trường mầm non thông báo công khai danh sách giáo viên được hưởng chính sách.
Bước 5: Trường mầm non trực tiếp trả tiền mặt hoặc chuyển khoản cho giáo viên 2 lần/năm học: Lần 1 trả vào tháng 12 hàng năm và lần 02 trả đủ các tháng còn lại vào tháng 5 hằng năm.
Đặc biệt, nếu giáo viên chưa được nhận tiền hỗ trợ trong thời hạn này thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo. Nếu nghỉ việc thì trường mầm non phải báo cáo và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện dừng chi trả.
Giáo viên mầm non được hỗ trợ gì theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP? (Ảnh minh họa)
Giáo viên mầm non được hỗ trợ gì theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP? (Ảnh minh họa)
Giáo viên mầm non dân lập, tư thục
Đối tượng này hiện đang được hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5-1-2018. Sắp tới đây, giáo viên mầm non dân lập, tư thục tiếp tục nhận khoản hỗ trợ này.
Trong đó, mức hỗ trợ thực hiện theo mức hỗ trợ với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, từ ngày 1-11 khi Nghị định 105 chính thức có hiệu lực, không chỉ giáo viên mầm non gồm cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng như quy định hiện nay được hỗ trợ mà cả chủ nhóm, tổ trưởng chuyên môn cũng được.
Có thể thấy, so với quy định hiện nay, Nghị định 105 đã mở rộng đối tượng giáo viên tư thục, dân lập được hỗ trợ tài liệu, chi phí tập huấn.
Giáo viên mần non dạy học cho trẻ vùng đặc biệt khó khăn
Đây tiếp tục là đối tượng được hỗ trợ kế thừa từ Nghị định 06/2018.
Theo đó, giáo viên mầm non được hỗ trợ nếu dạy tại điểm lẻ của trường mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên.
- Trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số.
Các đối tượng giáo viên này được hỗ trợ thêm một khoản mỗi tháng bằng tiền là 450.000 đồng/tháng (Bằng chữ: Bốn trăm năm mươi nghìn đồng một tháng). Thời gian hưởng tính theo số tháng dạy thực tế nhưng không quá 09 tháng/năm học.
Đáng chú ý: Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, tại Nghị định 105 này, giáo viên mầm non trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn không còn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số (nếu có).
Bình luận (0)