Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến, lần đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) dành một chương về trợ cấp hưu trí xã hội nhằm tạo hệ thống BHXH đa tầng, bao phủ đến nhóm hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.
Được nhận trợ cấp hằng tháng
Điều kiện hưởng loại trợ cấp này là người từ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (lộ trình nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 60 tuổi năm 2035), đóng BHXH dưới 15 năm mà không có lương hưu.
Theo dự thảo, người từ 60 đến dưới 80 tuổi, chưa đóng đủ 15 năm BHXH, nếu có nguyện vọng thì được nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng. Nhóm này được cấp BHYT miễn phí, hỗ trợ mai táng phí 10 triệu đồng mỗi người khi qua đời. Mức trợ cấp được Chính phủ điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, tình hình kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách. Mức hưởng cho nhóm này tùy vào thời gian tham gia và tiền lương tháng đóng BHXH. Trong quá trình hưởng, nếu người lao động qua đời thì thân nhân được nhận một lần số tiền người đó chưa hưởng hết cùng 10 triệu đồng trợ cấp mai táng.
Công nhân lớn tuổi làm việc tại Công ty CP Dệt may Liên Phương (TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO
Cùng với đó, người từ 80 tuổi trở lên, không đóng BHXH và không có lương hưu, ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội 500.000 đồng/tháng. Tuổi hưởng trợ cấp có thể thấp hơn, mức hưởng cao hơn và được đề xuất giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tùy vào ngân sách.
Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ LĐ-TB-XH cho biết trên cơ sở định hướng xây dựng hệ thống BHXH đa tầng ở Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và thực trạng hệ thống, chính sách pháp luật hiện hành cho thấy hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, chính sách trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi còn thực hiện riêng rẽ và chưa có sự kết nối giữa các chính sách để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Vì vậy, mục tiêu chung của chính sách là phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mục tiêu cụ thể là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng gồm: trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản bao gồm: BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đó cũng là lý do dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ điều 22 đến điều 29), trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Nhân văn, thiết thực
Khi biết dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung đề xuất người từ 60 đến dưới 80 tuổi, chưa đóng đủ 15 năm BHXH, nếu có nguyện vọng thì được nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng, bà Nguyễn Thị Ngọc - đoàn viên Nghiệp đoàn Giúp việc nhà quận 1, TP HCM - rất vui.
Bà Ngọc năm nay 58 tuổi, làm nghề giúp việc nhà hơn 10 năm. Trước kia, bà làm công nhân cho một công ty xây dựng nhưng bị mất việc vì công ty giải thể. Ngấp nghé tuổi 50, không xin được việc làm nên bà chuyển sang làm nghề giúp việc nhà. Khi nghỉ việc tại công ty xây dựng, bà đã lãnh trợ cấp một lần để trang trải việc nhà, nuôi 2 con nhỏ ăn học. Bà làm giúp việc theo giờ cho 2 gia đình, thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng và mới tham gia BHXH tự nguyện gần 2 năm. "Hai con trai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn chồng về Hóc Môn thuê đất trồng rau. Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, do vậy, nếu sau này có khoản trợ cấp hưu trí hằng tháng thì quá tốt" - bà Ngọc bày tỏ.
Bà Triệu Ngọc Thu (50 tuổi, quê Tiền Giang), nhân viên tạp vụ Công ty TNHH BL Leather Bank - chuyên sản xuất bóp da (quận 12, TP HCM), cũng rất phấn khởi với đề xuất này. Bà làm tạp vụ 8 năm tại công ty, nếu làm đến 60 tuổi thì vẫn không đủ điều kiện nhận được lương hưu. Chồng bà làm tài xế xe công nghệ, thu nhập thất thường. "Thu nhập của vợ chồng tôi chỉ vừa đủ lo cho 2 con ăn học, trả tiền thuê trọ, ăn uống... nên không có tích lũy. Nếu hết tuổi lao động mà có khoản trợ cấp hưu trí hằng tháng thì tôi bớt gánh lo".
Trao đổi về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá đây là chính sách rất có ý nghĩa, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH không đủ điều kiện hưởng lương hưu, không rút BHXH một lần và ở lại hệ thống BHXH. Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhận xét đây là đề xuất khá nhân văn, góp phần giữ người lao động đóng BHXH dưới 15 năm ở lại hệ thống an sinh BHXH.
"Mức hưởng cho nhóm này tùy vào thời gian tham gia và tiền lương tháng đóng BHXH. Với mức lương đóng BHXH cho người lao động mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng hiện nay chỉ bằng hay cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng, đồng thời Luật BHXH hiện hành quy định lao động nam đóng BHXH 20 năm, nữ đóng 15 năm được tính hưởng bằng 45% mức lương bình quân đóng, nếu chỉ đóng BHXH dưới 15 năm, mức trợ cấp sẽ tính toán thế nào? Ban soạn thảo cần tính toán kỹ để hỗ trợ họ ổn định cuộc sống" - luật sư Trần Hữu Tín góp ý.
Mỗi năm chi thêm 2.200 tỉ đồng
Theo Bộ LĐ-TB-XH, nếu mức trợ cấp cho người trên 80 tuổi nâng từ 360.000 đồng/tháng như hiện nay lên 500.000 đồng thì mỗi năm kinh phí nhà nước chi thêm 2.200 tỉ đồng (chưa bao gồm tiền mua thẻ BHYT, gia tăng người thụ hưởng, điều chỉnh mức hưởng hằng năm). Ước tính, hiện nay có khoảng 1,2 triệu người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác đang hưởng trợ cấp xã hội.
Bình luận (0)