Chiều 11-9, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về những vấn đề liên quan đến Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV, cho biết TKV nhất trí điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 của dự thảo (kể từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028). Tuy nhiên, TKV đề nghị Ban Soạn thảo xem xét có cơ chế phù hợp cho từng nhóm lao động. Cụ thể, đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của công nhân làm công việc khai thác than trong hầm lò đã được quy định tại điều 6 Nghị đinh số 115/NĐ-CP của Chính phủ: "Người lao động (NLĐ) từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò được hưởng lương hưu theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 54 Luật BHXH".
Quang cảnh buổi làm việc
Lý do đề xuất, theo ông Chuẩn, là lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số lao động toàn TKV, điều kiện làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên tuổi đời và tuổi nghề bình quân của công nhân khai thác hầm lò (thợ lò) thấp, rất ít thợ lò làm việc đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu.
. Cùng ngày, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới.
Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết với nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt, đề nghị cần có các quy định tạo cơ hội được tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội. Trong quá trình chỉnh lý Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cần điều chỉnh mốc tuổi nghỉ hưu tương đương với nam giới và thực hiện ngay với những nhóm đối tượng này; đồng thời tiếp tục nghiên cứu tuổi nghỉ hưu cao hơn cho một số nhóm lao động nữ là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm. Theo đó, việc quy định về quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với một số những nhóm lao động đặc thù là rất cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của đa số công nhân lao động trong lĩnh vực này.
Bình luận (0)