Hơn một tháng nay, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" (làm việc, ăn, ngủ tại chỗ) để bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng chống dịch. Không chỉ chuẩn bị chu đáo chỗ nghỉ ngơi, ban giám đốc công ty, ban chấp hành Công đoàn còn xây dựng nhiều chính sách đãi ngộ nhằm động viên công nhân (CN) ở lại làm việc.
Không để dịch lây lan
Để sắp xếp chỗ sinh hoạt cho 3.200 CN tại nhà máy là vấn đề không đơn giản, tuy nhiên ban giám đốc và Công đoàn cơ sở đã nỗ lực hết mình.
Bà Kiều Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết trước khi CN vào làm việc, ngoài mua sắm lều bạt, vật dụng cá nhân, nhu yếu phẩm, công ty còn trang bị thêm máy giặt, tủ lạnh… để có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của họ. Mỗi ngày, nhà ăn công ty cung cấp 3 bữa ăn miễn phí. Không chỉ vậy, mỗi CN còn được hỗ trợ voucher 50.000 đồng/ngày để mua thức ăn vặt vào buổi tối. CN thực hiện "3 tại chỗ" còn được hỗ trợ 1 triệu đồng/tuần. Mỗi tuần, công ty còn tổ chức test Covid-19 cho toàn thể CN vào thứ ba và thứ năm. "Chi phí để thực hiện phương án "3 tại chỗ" rất lớn nhưng ban giám đốc vẫn chấp nhận để duy trì chuỗi sản xuất, quyết tâm không để lọt một F0 nào vào doanh nghiệp (DN)" - bà Hoa cho hay.
Người lao động tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng cắt tóc cho nhau khi thực hiện “3 tại chỗ”
Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM) cũng chấp nhận tăng chi phí sản xuất để kích hoạt phương án "3 tại chỗ" nhằm hoàn thành các đơn hàng đúng hạn. Đây cũng là 1 trong 40 DN đầu tiên của TP thực hiện phương án "3 tại chỗ" với việc trang thiết bị vật dụng sinh hoạt thường ngày đầy đủ như: chiếu, chăn, tủ lạnh, đồ ăn khô... cho NLĐ đăng ký. NLĐ được hỗ trợ 4 bữa ăn/ngày, trong đó DN lo ăn trưa và ăn chiều, Công đoàn lo ăn sáng và ăn tối. Mỗi tháng, CN còn được phụ cấp 500.000 đồng. Theo ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, để hơn 1.000 CN an tâm sản xuất, công ty đã tận dụng toàn bộ khu văn phòng và 1.000 m2 sàn nhà xưởng chưa sử dụng. Hai khu vực này được cải tạo lại với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho việc sinh hoạt của CN. "Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nếu trong DN xuất hiện ca nhiễm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiến độ thực hiện các đơn hàng nội địa. Do đó, mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly là biện pháp hiệu quả để bảo đảm mục tiêu kép của DN"- ông Hùng chia sẻ.
Động viên thiết thực
Tại Tổng Công ty Việt Thắng (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) có 350/1.000 CN đồng ý ở lại nhà máy thực hiện phương án "3 tại chỗ". Bà Trần Thị Thanh Phượng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng, cho hay ngoài bảo đảm chỗ ăn nghỉ, khó khăn lớn nhất của công ty là thuyết phục CN ở lại nhà máy vì đa số là nữ, có con nhỏ, cha mẹ già nên việc xa gia đình không hề dễ dàng. Do vậy, để động viên họ, công ty quyết định hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng/tháng, bảo đảm nơi ăn nghỉ, phủ WiFi ở khu lưu trú để CN giải trí và tiện liên lạc với gia đình sau giờ làm. Toàn bộ CN được xét nghiệm Covid-19 hằng tuần.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết trước mắt Công đoàn ngành đã kịp thời hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng cho 27 Công đoàn cơ sở khu vực phía Nam để đồng hành cùng DN phòng chống dịch tại nơi làm việc. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại phía Nam, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng quyết định kêu gọi toàn thể đoàn viên, NLĐ khu vực miền Bắc và miền Trung, những nơi chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, tham gia đóng góp, ủng hộ cho các đơn vị bạn, bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa nhất. Những chuyến hàng rau xanh đầu tiên của Công đoàn Dệt may Việt Nam đã kịp thời đến với CN ở các đơn vị đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" tại khu vực miền Nam, trong đó có Tổng Công ty Việt Thắng. Không chỉ vậy, cán bộ Công đoàn khu vực miền Bắc, miền Trung còn tự tay làm lạc rang, ruốc… để tiếp sức cho NLĐ ở miền Nam. Nhận được hủ lạc rang, chị Nguyễn Thị Kim Liên, CN Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, rất cảm động: "Xa con nhỏ, xa gia đình là một quyết định khó khăn của tất cả anh chị em khi thực hiện "3 tại chỗ" nhưng may mắn chúng tôi được các cán bộ Công đoàn khắp nơi của ngành động viên, hỗ trợ. Điều này giúp chúng tôi vững lòng hơn".
Ông HỒ XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Thành lập 7.260 Tổ an toàn Covid-19
Các cấp Công đoàn TP đã phối hợp tốt với DN xây dựng các phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, chủ động xử trí khi có trường hợp NLĐ nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2. Đến nay, đã có 912 DN tại TP thực hiện "3 tại chỗ" với 11.471 NLĐ. Các cấp Công đoàn cũng đã phối hợp cùng ban giám đốc DN thành lập 7.260 Tổ an toàn Covid-19 với 30.648 thành viên; 5.382/7.509 đơn vị xây dựng phương án phòng chống dịch. Công đoàn các cấp còn phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, các cơ quan chức năng trong việc triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 cho CN tại các DN trên địa bàn TP. Đến nay, đã có 450.477 NLĐ tại 3.196 DN, đơn vị được tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19.
Bình luận (0)