Sáng 2-4, tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) đã tổ chức hội thảo triển khai hoạt động CEP trong các tổ công nhân (CN) tự quản tại các khu nhà trọ trên địa bàn TP HCM.
Tan nhà nát cửa vì tín dụng đen
Các chủ nhà trọ, lãnh đạo các xã, phường và cán bộ Công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở đã phản ánh nạn tín dụng đen tại các khu nhà trọ CN; chia sẻ, thảo luận giải pháp nhằm đưa đồng vốn và các dịch vụ của CEP đến được tay CN khó khăn tại các khu nhà trọ
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM (bìa phải), tặng quà cho chủ nhà trọ phối hợp tốt với CEP để hỗ trợ vốn cho người lao động
Trao đổi trong hội thảo, nhiều chủ nhà trọ nói rằng đời sống của CN còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 xuất hiện gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của họ. Không có tài sản thế chấp, họ khó thể tiếp cận các nguồn tín dụng tốt, vì vậy, khi gặp phải sự cố hoặc khó khăn đột xuất, hầu hết CN liều lĩnh vay nóng với lãi suất cao từ 20% đến 30%/tháng khiến họ mất khả năng chi trả, thậm chí nhiều người tan nhà nát cửa, phải bỏ trốn vì tín dụng đen.
Bà Võ Thị Trọng - chủ khu nhà trọ tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12 - cho biết cổng ra vào khu nhà trọ của bà thường xuyên bị dán kín các mẩu quảng cáo cho vay vốn khẩn cấp. Mỗi lần phát hiện, bà đều xé bỏ tuy nhiên vẫn có CN vì khó khăn mà chấp nhận vay vốn rồi mất khả năng chi trả. Bà Trọng nhiều lần chứng kiến cảnh đòi nợ tại khu nhà trọ, một CN không thể trả đã bỏ trốn vì sợ xã hội đen tìm đến. "Tôi biết CEP đã triển khai đến cộng đồng dân cư nghèo, nhiều CN ở tại khu nhà trọ cũng muốn tiếp cận nguồn vốn này. Vì vậy, tôi hoan nghênh CEP triển khai vốn đến các khu nhà trọ. Tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết khả năng của mình để CN có thể tiếp cận vốn của CEP" - bà Trọng khẳng định.
Ông Hồ Văn Trở - chủ khu nhà trọ tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM - cũng trăn trở về vấn nạn tín dụng đen. Ông kể rằng nhiều CN khu nhà trọ của ông cũng từng là nạn nhân của tín dụng đen. Với khoản vay nóng 1 triệu đồng, CN phải trả lãi suất từ 15%-30%/tháng khiến cuộc sống vốn không có tích lũy càng thêm vất vả vì nợ nần. Nhiều lần ông phải can ngăn CN khi họ có ý định vay nóng bên ngoài. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp nhất thời, bởi làm sao để CN có thể tiếp cận nguồn vốn tốt hơn khi gặp khó khăn mới là giải pháp căn cơ. Vì vậy, khi CEP triển khai thí điểm mô hình cho CN tổ tự quản vay vốn, dù nghĩ đến nhiều vấn đề rủi ro, ông Trở vẫn đồng ý tham gia. Sau hơn 1 năm phối hợp với CEP đưa nguồn vốn đến CN, ông Trở nhận thấy đây là mô hình rất tốt, giúp đỡ được CN vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Với lãi suất thấp chỉ từ 0,4-0,62%/tháng, nằm trong khả năng chi trả của CN. Hiện mỗi năm tại khu nhà trọ đều tổ chức 4 đợt vay, mỗi đợt từ 6-8 người và CN đều có ý thức hoàn trả khoản vay đúng kỳ hạn.
Mang lại cuộc sống tốt hơn cho công nhân
Nhằm góp phần bài trừ tín dụng đen trong CN, nhất là CN ở trọ chưa thể tiếp cận nguồn vốn của CEP tại doanh nghiệp, từ năm 2019, CEP đã thí điểm mô hình hỗ trợ vốn tại 2 tổ CN tự quản nhà trọ tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Sau hơn 1 năm thực hiện, đã có 40 CN được vay tổng số tiền 440 triệu động.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng giám đốc CEP, cho biết từ kết quả khả thi trong quá trình thí điểm, năm 2021, CEP quyết định nhân rộng mô hình này đến 1.314 tổ CN tự quản trên toàn TP. Theo ông Đạt, ngoài dịch vụ về tín dụng, CEP sẽ triển khai các gói dịch vụ tiết kiệm đến CN. Trong đó, đối với dịch vụ tín dụng, CEP cung cấp 4 sản phẩm gồm tín dụng tăng thu nhập, tín dụng tăng thu nhập hộ nghèo, tín dụng học nghề và tín dụng khẩn cấp với hạn mức vay 15 triệu đồng đến 50 triệu đồng, lãi suất từ 0,4-0,62%/tháng, thời gian hoàn trả từ 12 đến 24 tháng.
Về sản phẩm tiết kiệm, CEP sẽ cung cấp 2 gói sản phẩm gồm gói tiết kiệm có thời hạn (gửi tối thiểu 5 triệu đồng) với lãi suất tương đương các ngân hàng thương mại và gói tiết kiệm đoàn viên với các khoản tiết kiệm cố định, phù hợp nhu cầu đoàn viên hằng tháng. "Để mô hình này phát triển đúng hướng, đúng mục đích và đạt hiệu quả, CEP rất cần sự phối hợp của LĐLĐ các quận, huyện, các chủ nhà trọ và chính quyền địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyên. Trong đó, chủ nhà trọ sẽ hỗ trợ sàng lọc, giới thiệu những hộ CN uy tín, sinh sống ổn định tại khu nhà trọ để CEP tiếp cận trực tiếp với họ. Với vai trò của mình, CEP trực tiếp giải ngân cho từng khách hàng, quản lý công nợ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt tài chính, kể cả khi không thể thu hồi nợ" - ông Đạt cho hay.
Trao đổi tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc CEP, cho biết ngay sau chương trình này, CEP sẽ chuẩn hóa, ban hành quy trình các sản phẩm dịch vụ của CEP cho CN tại các tổ tự quản khu nhà trọ, trong đó chú trọng các gói sản phẩm tiết kiệm nhằm giúp NLĐ tích lũy cho tương lai. Ngoài ra, CEP sẽ tăng cường hoạt động truyền thông để thông tin đến CN được thông suốt, dễ tiếp cận. Dự kiến giữa năm 2021, CEP sẽ cho ra mắt ứng dụng riêng để liên kết với khách hàng, quảng bá hoạt động của CEP cũng như truyền thông về tác hại của tín dụng đen. "Dự kiến đến hết năm 2021, CEP cung cấp dịch vụ tài chính, tiết kiệm đến 10.000 CN tại các tổ tự quản. "Tôi tin rằng sẽ giúp được cho rất nhiều CN vượt qua khó khăn và có cuộc sống tốt đẹp hơn" - bà Hoàng Vân nói.
Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Nghiên cứu sản phẩm phù hợp với công nhân ở trọ
Tác hại của tín dụng đen được nói đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông tuy nhiên nhiều CN vẫn trở thành nạn nhân bởi cuộc sống của họ còn vô vàn khó khăn. Khi đến thăm các khu nhà trọ CN, điều tôi luôn trăn trở là một số CN chỉ vì những khoản vay 3 triệu, 5 triệu đồng từ đường dây tín dụng đen mà gia đình đổ vỡ, thậm chí có CN phải cầm CMND chỉ để vay 400.000 đồng. Từ trăn trở ấy, Thường trực LĐLĐ TP đã có chủ trương đẩy mạnh chương trình hỗ trợ vốn đến CN tại các khu nhà trọ thông qua Tổ chức Tài chính vi mô CEP - cánh tay nối dài của tổ chức CĐ.
Để thực hiện chương trình này hiệu quả nhất, ngoài làm tốt công tác truyền thông đúng trọng tâm, đơn giản, dễ hiểu, CEP cần nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với CN ở trọ, trong đó chú trọng các sản phẩm tiết kiệm. Làm sao để khi vượt qua khó khăn, CN có thể xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân để thực hiện các mục tiêu như mua sắm, học tập hay đơn giản là tiết kiệm nhằm mua vé tàu xe để sum vầy cùng gia đình. Chương trình là tâm huyết, mong muốn của CEP và tổ chức CĐ TP nhằm đẩy lùi nạn tín dụng đen trong CN, mang lại cuộc sống tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.
Bình luận (0)