Tại hội thi "Bàn tay vàng ngành điện tử công nghiệp" cấp thành phố do LĐLĐ TP HCM phối hợp cùng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức, thí sinh Nguyễn Thị Kim Tâm, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Công nghệ cao Sài Gòn (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), đứng trên bục cao nhất. Điều gây ngạc nhiên là công việc mà Tâm đang làm không liên quan gì đến ngành nghề này.
Rèn giũa kỹ năng nghề
Tốt nghiệp trung cấp ngành Quản trị Kinh doanh của Trường Trung cấp nghề Tô Vĩnh Diện (TP Thủ Đức, TP HCM), Tâm gắn bó với công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Công nghệ cao Sài Gòn. Khi đơn hàng công ty gấp, Tâm thường xắn tay phụ giúp công nhân (CN) ở bộ phận thiết kế bo mạch điện tử và "học lóm" được chút ít.
Nhận được thông báo về hội thi "Bàn tay vàng ngành điện tử công nghiệp", Tâm mạnh dạn đăng ký tham gia với mong muốn lấy được giấy chứng nhận bậc thợ 3/7. Cùng với 43 thí sinh khác, Tâm được các thầy ở Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cập nhật kiến thức mới và hướng dẫn kỹ thuật hàn mạch điện trong 3 tuần. Qua 2 phần thi lý thuyết và thực hành (thiết kế mạch, lắp ráp, đo kiểm thông số, hiệu chỉnh mạch điện), Tâm rất bất ngờ khi biết mình đoạt giải Bàn tay vàng. "Đến với hội thi, em chỉ mong trau dồi thêm kiến thức và rèn giũa thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp ở các đơn vị khác. Được công nhận bậc thợ là niềm vui vô bờ của cá nhân em" - Tâm bộc bạch.
Với thí sinh Cổ Đình Tấn, nhân viên bảo trì Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Dây cáp điện Đại Long (huyện Bình Chánh, TP HCM), đoạt giải hay không không quan trọng, bởi hội thi là dịp để anh cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Đánh giá về hội thi, ông Huỳnh Minh Đức, Quản lý kỹ thuật kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Sài Gòn, cho biết: "Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho những người thợ lành nghề bởi xu thế hội nhập sâu rộng đòi hỏi họ phải nâng cao kiến thức và tay nghề. Từ suy nghĩ đó nên chúng tôi đã tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho 3 CN tham gia ôn luyện kiến thức và tranh tài tại hội thi. Đáng mừng là 3 CN đều đoạt giải cao. Họ sẽ được công ty bồi dưỡng thêm để trở thành cán bộ quản lý của doanh nghiệp (DN)".
Học viên tham gia chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” do Công đoàn Dệt may Việt Nam và Trường CĐ Công nghệ TP HCM phối hợp tổ chức
Nâng chất nguồn lao động
Các ngày thứ bảy hằng tuần, anh Nguyễn Văn Thành, CN tổ hoàn tất Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Tập đoàn Dệt may Việt Nam), được doanh nghiệp tạo điều kiện để theo lớp đào tạo nghề "Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động (NLĐ)". Chương trình do Công đoàn Dệt may Việt Nam và Trường CĐ Công nghệ TP HCM phối hợp tổ chức tại công ty dành cho cấp quản lý từ tổ trưởng trở lên.
Anh Thành làm việc tại công ty hơn 10 năm và vừa được đề đạt vào vị trí tổ trưởng. Kinh nghiệm làm việc thực tế của anh không thiếu nhưng kiến thức cơ bản còn hạn chế. Vì thế, khóa học giúp anh Thành bổ sung những gì còn thiếu từ đó nâng cao chất lượng công việc. Ở lớp học, những học viên như anh được học các kỹ năng quản lý chuyên ngành về sản xuất và kỹ thuật chuyền. Toàn bộ chi phí đào tạo do Công đoàn Dệt may Việt Nam đài thọ.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết mục đích của chương trình là hỗ trợ các DN tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ. Chương trình sẽ góp phần tăng năng suất lao động, giúp các DN tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm và bảo đảm thu nhập cho NLĐ, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng của NLĐ thời kỳ hậu COVID-19 và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đến nay, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã phối hợp với Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội và Trường CĐ Công nghệ TP HCM mở 14 lớp đào tạo nghề cho 460 học viên tại các DN.
Hướng đến mục tiêu nâng chất lượng nguồn lao động, Công đoàn Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề cho NLĐ ở các bộ phận như bán hàng, sản xuất sản phẩm. Không chỉ thi lý thuyết, các thí sinh còn phải giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tế. Qua các hội thi, kiến thức lẫn kỹ năng làm việc của NLĐ cũng được cải thiện rõ rệt.
Hội thi tay nghề do các cấp Công đoàn TP HCM tổ chức hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho đội ngũ CN, nhất là các ngành nghề trọng điểm. Kết quả hội thi không chỉ giúp DN đánh giá lại chất lượng lao động mà còn là điều kiện để CN ổn định việc làm, thu nhập".
Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)