Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết đến nay đã có 12 BHXH tỉnh, TP chuyển cơ quan điều tra 40 hồ sơ đề nghị xử lý hình sự các doanh nghiệp (DN) có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó có 15 hồ sơ đề nghị xử lý theo điều 214 (tội gian lận BHXH, BHTN theo Bộ Luật Hình sự - BLHS), 1 hồ sơ đề nghị xử lý theo điều 215 (tội gian lận BHYT) và 24 hồ sơ đề nghị xử lý theo điều 216 (tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động - NLĐ). Tuy nhiên, do chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện nên đến nay chưa có DN nào bị xử lý hình sự, dù BLHS đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân sai phạm
Nhằm tháo gỡ vướng mắc nêu trên, vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều 213, 214, 215, 216 của BLHS về các tội liên quan đến BHXH.
Dự thảo gồm 8 điều, trong đó cụ thể và chi tiết hóa một số tình tiết định tội, định khung hình phạt; xác định thiệt hại; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự; xác định tư cách của người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự... Đáng chú ý là ngoài việc xử lý các hành vi vi phạm theo các điều 213, 214, 215, 216, dự thảo còn quy định rõ người thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh theo các điều khoản khác của BLHS. Chẳng hạn, trường hợp người được giao trực tiếp chi trả tiền bảo hiểm lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại điều 353 của BLHS nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Công nhân Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP HCM) mất trắng quyền lợi dù chủ doanh nghiệp bị kiến nghị xử lý hình sự
Đặc biệt, dự thảo cũng đã giải đáp được khúc mắc về việc xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội tại điều 216 của BLHS thời gian qua. Theo đó, trường hợp hành vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ ngày 1-1-2018 đã hoặc chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà sau thời điểm này vẫn chưa đóng hoặc đóng không đầy đủ khoản tiền bảo hiểm đã được cơ quan có thẩm quyền xác định trước đó thì không truy cứu trách nhiệm. Đối với hành vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ ngày 1-1-2018 đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà sau thời điểm này vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm trong thời hạn 1 năm (kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng số tiền trốn đóng dưới 50 triệu đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 9 người trở xuống) thì không coi lần xử phạt vi phạm hành chính trước đây để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý nghiêm hành vi lách luật
Tại hội thảo tham vấn dự thảo nghị quyết nêu trên do TAND Tối cao và BHXH Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây, nhiều ý kiến nhận xét dự thảo đã bao quát khá toàn diện các nội dung cần hướng dẫn. Tuy nhiên, do đây là dự thảo hướng dẫn xử lý đối với 4 tội phạm mới, lần đầu tiên được quy định trong BLHS và thuộc các lĩnh vực chuyên ngành nên nghị quyết cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nhằm hạn chế vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng cần bổ sung hướng xử lý trường hợp người sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận về việc không tham gia hoặc có tham gia nhưng đóng BHXH, BHYT, BHTN không đúng mức lương thực tế để chiếm dụng số tiền chênh lệch… "Trong trường hợp này, thỏa thuận được lập thành văn bản giữa người sử dụng lao động và NLĐ có được xem là gian dối và xác định là hành vi trốn đóng bảo hiểm hay không? Với hành vi này, NLĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, vậy có phải chịu trách nhiệm hình sự hay xem đây chỉ là một thỏa thuận dân sự?" - ông Nguyễn Hữu Thế Trạch đặt vấn đề.
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: "Một trong những yếu tố cấu thành tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo điều 216 BLHS là hành vi đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trốn đóng BHYT dẫn đến không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng BHYT để thống nhất thực hiện.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM:
Nên giao cơ quan BHXH khởi kiện
Theo dự thảo, khi truy tố hành vi phạm tội theo điều 216 thì chỉ có NLĐ được tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Điều này gây khó và ảnh hưởng đến thời gian tố tụng trong trường hợp đơn vị có số lao động lớn. Vì vậy, đề nghị mở rộng quy định theo hướng cho phép áp dụng phương thức đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện. Mặt khác, theo quy định của Luật BHXH, cơ quan BHXH có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN gây thiệt hại trực tiếp cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện trách nhiệm được giao, làm thất thoát quỹ BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng đến an toàn và cân đối quỹ trong ngắn hạn và dài hạn. Do đó, việc giao quyền cho cơ quan BHXH khởi kiện DN nợ BHXH là hợp lý.
Bình luận (0)