Hai tháng qua, trong điều kiện TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các cán bộ thực thi chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đặc thù của TP Hà Nội đã ứng trực ngày đêm, tới tận nhà các đối tượng thụ hưởng để trao kinh phí hỗ trợ với quyết tâm hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất cho những đối tượng khó khăn.
Kịp thời, đúng lúc
Vợ chồng anh Nguyễn Anh Đức là người ngoại tỉnh, đến thuê nhà ở ngõ 6, phố Quỳnh Lôi, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội để sinh sống và bán hàng ăn. Dịch bệnh bùng phát, thành phố giãn cách nên 2 tháng qua, vợ chồng anh đóng cửa hàng, cuộc sống khó khăn vì không kế sinh nhai. Mới đây, vợ chồng anh Đức được cán bộ tổ dân phố số 1, phường Quỳnh Mai đến nhà hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ hưởng hỗ trợ an sinh và sau đó, vợ chồng anh được nhận hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng. "Hiện nay, thành phố đã nới lỏng giãn cách, cho phép bán hàng mang về nhưng cửa hàng nhà tôi vẫn ít khách lắm, thu nhập chưa được bao nhiêu. Số tiền này hỗ trợ đáng kể cho gia đình tôi trong lúc khó khăn" - anh Đức nói.
Chị Nguyễn Thị Hường, thợ cắt tóc gội đầu ở thôn 2, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng mới nhận được kinh phí hỗ trợ là 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ do cán bộ xã Kim Lan tới tận nhà trao. "Từ cuối tháng 7, tôi đóng cửa hàng, thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách của thành phố, do không không có việc làm khác nên từ đó tôi không có nguồn thu nhập nào, cuộc sống rất khó khăn. Khi nghe tivi, đài báo thông tin về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tôi nghĩ chẳng đến lượt mình, thế mà tôi đã được cán bộ xã đến tận nhà để thăm hỏi, trao tiền" - chị Hường xúc động bộc bạch.
Cán bộ xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội tới nhà trao tiền hỗ trợ người dân khó khăn
Câu chuyện cảm động nữa là của cô Trịnh Thị Hằng - giáo viên Trường Mầm non Newsun (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường, từ đầu tháng 5-2021, cô Hằng phải nghỉ việc. Cô Hằng cho biết mấy tháng qua, cô phải sống nhờ vào chồng và bố mẹ chồng vì không có lương. Giữa lúc khó khăn, thông qua UBND huyện Hoài Đức, cô Hằng được nhận hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền là 5,71 triệu đồng. Hôm được nhận trợ cấp, cô Hằng xúc động: "Sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố kịp thời, đúng lúc. Số tiền này giúp tôi có thêm nguồn trang trải sinh hoạt trong thời gian vẫn còn phải nghỉ việc vì dịch bệnh".
Chi trả hỗ trợ bất kể ngày đêm
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở và các sở, ngành, cơ quan liên quan, các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã triển khai khẩn trương, quyết liệt các chính sách của trung ương, của TP Hà Nội cho các đối tượng khó khăn. "Với đặc thù là địa bàn rộng, số người thụ hưởng đông, đa dạng, trong khi việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đúng vào thời gian thành phố giãn cách xã hội nên gặp nhiều khó khăn, song các địa phương đã chủ động, linh hoạt, tìm ra cách thức triển khai phù hợp để đưa chính sách hỗ trợ đến với đối tượng thụ hưởng nhanh nhất" - bà Hương cho biết.
Để nguồn lực hỗ trợ kịp thời đến với người dân, các địa phương chủ động ứng kinh phí, phân công lực lượng cán bộ chi trả liên tục cho đối tượng thụ hưởng. Tại huyện Gia Lâm, ngay khi quyết định hỗ trợ được phê duyệt, các xã, thị trấn trên địa bàn đã chi trả cho người dân bất kể thời gian, cả ngày nghỉ và vào ban đêm. Còn tại huyện Hoài Đức, cán bộ các xã, thị trấn cũng đội mưa, lặn lội đến nhà người dân vào các buổi trưa, chiều, tối để trao tiền hỗ trợ đến với người dân một cách nhanh nhất.
Với sự vào cuộc tích cực đó, theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, đến hiện tại, tổng trị giá các nguồn lực mà thành phố đã hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 1.329 tỉ đồng. Đối với gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, các sở, ngành, địa phương đã ra quyết định hỗ trợ cho hơn 1,665 triệu người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 với kinh phí gần 648 tỉ đồng. Cụ thể, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã đến với hơn 1,423 triệu lao động, tổng số tiền hỗ trợ giảm đóng hơn 147 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã có 8.249 người thụ hưởng với số tiền gần 59 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã có hơn 23.000 người thụ hưởng với kinh phí gần 91 tỉ đồng. Với nhóm lao động tự do, chính sách hỗ trợ đã giúp 188.571 người được tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ. Số tiền đã hỗ trợ cho nhóm đối tượng này gần 283 tỉ đồng.
Huy động nhiều nguồn lực chăm lo
Đối với các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, đến nay các cơ quan chức năng đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng. Số người thụ hưởng các chính sách là 288.230 người, hộ kinh doanh. Kinh phí phê duyệt đã hỗ trợ là gần 295 tỉ đồng. Ngoài các chính sách của trung ương và thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã trích kinh phí hơn 89 tỉ đồng từ nguồn ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ 175.117 hộ nghèo và nhiều đối tượng khác, bao gồm cả một số người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Từ nguồn lực vận động xã hội hóa, toàn thành phố đã hỗ trợ 1,052 triệu lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn với số tiền gần 290 tỉ đồng... Tính chung, từ đầu tháng 7 đến nay, toàn TP Hà Nội đã có hơn 3,18 triệu lượt người dân, NLĐ, hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh được hỗ trợ về an sinh xã hội.
Bình luận (0)