Không bỏ sót đối tượng hỗ trợ là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội TP HCM trong buổi giám sát về việc thực hiện các nghị quyết: 42, 154, 68 của Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn ra vào sáng 17-9. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 4 quận, huyện gồm: Bình Tân, Gò Vấp, quận 8 và huyện Hóc Môn. Đây là những quận, huyện có đông dân cư, bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.
Sai sót do gấp gáp
Là quận đông dân và có KCN, lại là điểm nóng của dịch bệnh nên Bình Tân được xem là quận chịu nhiều thiệt hại, khó khăn do đại dịch gây ra. Báo cáo với đoàn giám sát, bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết quận có nhiều lao động ở trọ, lao động tự do nên số lượng thuộc diện được nhận các gói 1, 2 rất nhiều. "Trong 2 đợt vừa qua, quận Bình Tân được thành phố duyệt chi hỗ trợ cho 179.790 đối tượng, trong đó có 35.720 lao động tự do và 144.070 hộ khó khăn với tổng số tiền 269,685 tỉ đồng. Đến nay, quận đã duyệt chi được 177.404 đối tượng, đạt tỉ lệ 99,07%. Quận đang cố gắng để giải chi số còn lại nhưng gặp khó khăn vì có một số đối tượng vẫn đang đi cách ly và điều trị chưa về, cũng có một số đã mất, một số về quê chưa quay lại TP. Việc này chúng tôi đã báo cáo với TP và vẫn đang tiếp tục liên hệ để chi cho người dân" - bà Dung nói.
Bà Lê Thị Hồng Nhung - Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn - cũng thông tin với Đoàn Đại biểu Quốc hội về những khó khăn khi triển khai các gói an sinh của thành phố thời gian qua. Đầu tiên là các gói an sinh được triển khai trong giai đoạn cả thành phố đang giãn cách xã hội nên việc lập danh sách gặp nhiều trở ngại. Tiếp đến là thông tin báo chí đến rất nhanh khi chưa có hướng dẫn cụ thể khiến người dân cứ tưởng tiền đã về đến xã, ấp rồi mà địa phương chậm giải ngân. "Thực hiện trong một khoản thời gian gấp rút khiến việc rà soát chưa được đúng, đủ, cán bộ tổ, ấp đa số là các cô chú lớn tuổi nên cũng lo ngại về dịch bệnh và không thể kiểm soát hết được người dân trên địa bàn. Thêm nữa là áp lực từ việc người dân gọi điện, nhắn tin với nhiều lời lẽ khó nghe nên các tổ trưởng dân phố rất áp lực, nhiều người không chịu nổi xin không làm nữa trong khi đây là lực lượng gần dân nhất, sát dân nhất" - bà Nhung cho biết.
Không chỉ là thiếu sót, sự so bì cũng diễn ra ở nhiều nơi. Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Chủ tịch UBND phường 8, quận Gò Vấp - cho biết việc xác định đối tượng trong đợt 1, 2 có nhiều bất cập khiến người dân so bì. "Như trong đợt 2, tính theo hộ trong khi có hộ 2 người, có hộ 7 đến 8 người nhưng cũng chỉ nhận được 1 suất. Trong khi đó đợt 1 với nhóm ngành nghề tự do, không có giao ước hợp đồng lao động thì được chi theo cá nhân" - bà Anh thông tin.
Đại diện Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức, TP HCM (bìa trái) đến tận khu trọ trao túi an sinh và tiền hỗ trợ cho người gặp khó khăn do dịch bệnh
Nên mở rộng đối tượng
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nhìn nhận việc lập danh sách, khảo sát để thống kê chi theo Nghị quyết 09 của HĐND TP vẫn còn sót rất lớn. "Quận Bình Tân còn 2.486 trường hợp chưa chi hỗ trợ dù đã được duyệt. Quận 8 còn hơn 5,4% chưa chi, rà soát đợt 1 còn sót 22.390 trường hợp. Quận Gò Vấp sau khi rà soát xong còn sót hơn 10.000 trường hợp. Huyện Hóc Môn sót trên 19.565 trường hợp, chưa chi 634 trường hợp. Trong thực hiện các gói hỗ trợ tiếp theo, các địa phương phải tăng cường rà soát để bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời ghi nhận những trường hợp bị sót để chính sách thành phố đã ban hành đến được tay người dân" - ông Bình lưu ý.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho rằng người dân quan tâm rất nhiều đến các gói an sinh xã hội. Cụ thể, trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", trên 80% câu hỏi có liên quan đến các gói an sinh xã hội. "Ghi nhận của Công an TP HCM, việc triển khai các gói an sinh vừa qua có những hạn chế, thiếu sót nhất định. Có trường hợp ký khống, có trường hợp nhận giùm, nhận 2, 3 lần và cũng đã có dấu hiệu trục lợi. Thành phố ghi nhận 154 vụ khiếu kiện khiếu nại về gói hỗ trợ tiền, nhiều nhất là ở Bình Tân, Bình Chánh, quận 8..." - đại tá Quang nói.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, dẫn một tin nhắn cầu cứu được gửi đến ông. Đó là một lao động thời vụ, được thuê làm cho một công trình tại Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức. Khi dịch ập đến, số lao động này thất nghiệp do công ty không bảo đảm "3 tại chỗ", họ không được bên cho thuê và bên thuê hỗ trợ gì cả. Số lao động này cũng không nằm trong đối tượng được nhận hỗ trợ của TP nên rất khó khăn. Vì thế, gói an sinh thứ 3 sắp tới nên mở rộng đối tượng hơn để nhiều lao động được hỗ trợ, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, chuẩn bị đi làm trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM - nhận định nhiều quận, huyện còn chậm trong chi hỗ trợ cho người dân vì nhiều lý do. Trong khi thời điểm này người dân đang cần hơn bao giờ hết bởi họ đã trải qua một thời gian dài giãn cách để phòng chống dịch. Chăm lo an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi đại dịch là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại TP HCM. "Chậm ở đây không chỉ do điều kiện khách quan như thực hiện giãn cách, phong tỏa mà còn do rà soát quá kỹ hoặc các cấp sợ trách nhiệm nên để kéo dài. Đợt hỗ trợ lần 3 sắp tới phải rút kinh nghiệm, đặc biệt phải làm tốt công tác xác minh để không ai bị bỏ sót" - bà Tuyết nhấn mạnh.
Rút ngắn thời gian lập hồ sơ
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, lần đầu tiên Công an TP HCM cử cán bộ xuống tận phường để bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là hỗ trợ chính quyền phường, xã trong việc lấy và lập danh sách người dân khó khăn trong diện được nhận hỗ trợ của thành phố. Lực lượng công an sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để kết nối, giúp các phường, xã xác minh, rà soát nhanh những người trong diện cần hỗ trợ để rút ngắn thời gian lập hồ sơ.
Bình luận (0)