Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH là 5%-6%/năm. Trong đó, số người hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH chiếm gần 99% và chủ yếu là NLĐ làm việc ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước (gần 91%)
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Bạn đọc Phạn Cường Phạm bày tỏ: "Vấn đề người lao động quan tâm và cần nhất thì lại né tránh, không đề cập, đó là giảm tuổi nghỉ hưu phù hợp. Nếu tuổi nghỉ hưu hợp lý thì không cần phải nghĩ trăm phương ngàn kế để hạn chế rút BHXH 1 lần". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Trung phân tích thêm: "Vấn đề ở đây là khi người lao động động đã bước sang tuổi 40 50 rất khó xin việc làm. Và một khi đã mất việc thì không thể kiếm việc khác để tiếp tục đóng BHXH trong khi mỗi ngày phải lo cơm áo gạo tiền thì ai mà dám mơ có lương hưu chứ".
Bạn đọc Nguyễn Phong nêu thực tế: "Quá thiệt thòi cho người tham gia BHXH sớm. Ví dụ 1 người lao động nam tham gia BHXH lúc 20 tuổi, họ đóng đủ thời gian quy định là 35 năm để được hưởng 75% cho lương hưu. Vậy khi đủ 35 năm họ mới 55 tuổi và phải đợi 7 năm nữa đến 62 tuổi mới có lương hưu. Trong độ tuổi từ 55 đến 62 họ không có lương hưu, không có trợ cấp, lại rất khó kiếm được việc làm, vậy cuộc sống của họ sẽ như thế nào? BHXH VN đã tính tới điều này chưa? Vậy nên theo tôi, để tránh thiệt thòi cho người lao động thì ai đóng đủ tối đa 35 năm sẽ được hưởng lương hưu ngay khi về hưu thay vì phải đợi đến tuổi như quy định. Còn ai dù đã tới 62 tuổi và chưa đóng đủ 35 năm thì có thể về hưu với tỉ lệ hưởng thấp hơn hoặc có đủ sức khỏ, có việc làm thì đóng tiếp cho đủ số năm hưởng tối đa. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho công chức nhà nước thôi chứ rất bất lợi cho người lao động.
Theo nhiều bạn đọc, cũng chỉ vì cuộc sống của người lao động rơi vào tình trạng rất khó khăn đành chấp nhận rút BHXH một lần để chi tiêu. Hiện nay, nhiều DN sa thải số lượng lao động lớn, nhiều người không có việc phải bỏ về quê. Việc rút BHXH một lần cũng chỉ là phương án tạm thời, rất mong cơ quan nhà nước thấu hiểu cho người lao động tạo điều kiện để người lao động tham gia vào an quỹ an sinh xã hội, giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động".
Theo bạn đọc Lê Thái Sơn, NLĐ rất muốn được có sức khỏe và công việc ổn định để làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Có 2 điều kiện quan trọng nhất tác động đến suy nghĩ của NLĐ đó là: 1- Có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc sau tuổi 45-50 hay không. 2- Quan trọng nhất là cơ quan nào đủ lên tiếng dám đảm bảo quyền lợi cho NLĐ là sẽ có việc làm cho NLĐ ổn định để làm việc đủ thời gian đến tuổi nghỉ hưu. "Hiện tại các DN FDI trong tình trạng khó khăn, NLĐ hoặc phải nghỉ việc hoặc làm việc cầm cự. Khi tuổi sau 40 xin việc ở đâu. Vấn đề này không thấy đề cập đến. Vì sao hơn 91% NLĐ hưởng BHXH một lần là NLĐ ngoài nhà nước. Bởi vì họ hiểu rằng mình không thể tồn tại trong DN FDI sau cái tuổi 45-50. Đó là điều chắc chắn"- bạn đọc này bày tỏ.
Một bạn đọc giấu tên phân tích: "Khi mà cuộc sống trẻ chưa lo được thì sao nghĩ đến tuổi già. Nếu có việc làm có thu nhập đảm bảo thì không ai cần rút BHXH 1 lần dù biết rằng BHXH hiện tại còn nhiều điều rất là nghịch lý. Tại sao đóng 20 năm thì 45% rồi tới đây 15 năm thì 45% rồi tại sao mỗi năm gọi là nghỉ trước thì lại bị trừ 2% tiền đóng vào không đẻ lãi thì thôi sao lại bị trừ mất đi. Đóng 15 năm được 45% thì sao khi mất việc ở tuổi 40 rồi chờ 20 năm đến 22 năm mới được nghỉ hưu thì 20 hay 22 năm chờ kia đã bị trừ mất 40 hay 44% lương hưu rồi, vậy thực lãnh là 5% với 1% thì chờ để làm gì".
67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng
Giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia là 5-6%/năm. Trong đó, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi. Gần 91% người rút BHXH một lần làm việc tại khu vực ngoài nhà nước.
Độ tuổi hưởng từ 20-40 chiếm gần 80% và gần 99% hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc và không tham gia BHXH. Sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này.
Bình luận (0)