Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH là 5%-6%/năm. Trong đó, số người hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH chiếm gần 99% và chủ yếu là NLĐ làm việc ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước (gần 91%)
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Theo nhiều bạn đọc, tình trạng rút BHXH 1 lần có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là quy định tuổi nghỉ hưu chưa hợp lý, nhất là với lao động ngoài quốc doanh. Thứ hai là mức hưởng và lương hưu chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục người lao động ở lại với hệ thống an sinh.
Bạn tên Nguyên góp ý: "Phải nhìn thẳng thực tế tại sao lại rút một lần 1. Mất việc không có thu nhập để sống. 2. Thời gian chờ để lĩnh được lương hưu quá dài tận 60 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam. 3. Trong thời gian chờ đợi được lương hưu nếu không đóng tiếp BHXH thì mỗi năm lại bị trừ 2%, khi đến tuổi lĩnh lương hưu thì số tiền BHXH đã đóng kia bị trừ gần hết thậm chí âm luôn". Bạn đọc này cũng đưa ra ví dụ: "Bây giờ làm bài toán người lao động nữ 40 tuổi bắt đầu đóng BHXH đến 60 tuổi là đủ 20 năm BHXH, nghỉ hưu được lĩnh 45% lương ngay. Lao động nữ bắt đầu đóng BHXH từ 20 tuổi đến 40 tuổi đủ 20 năm BHXH nhưng không được lĩnh lương hưu mà phải chờ đến 60 tuổi, thời gian chờ là 20 năm, mỗi năm 2% trong 20 năm chờ mất đi 40%, đến 60 tuổi còn được 5% lương hưu. Cùng đóng BHXH 20 năm nhưng một người thì được lương hưu 45%, một người thì chờ 20 năm để lĩnh được 5% vậy thì ai sẽ chờ?.
Bạn đọc tên Nhã bày tỏ: "Nên thống nhất ai đóng đủ 20 năm thì hưởng lương hưu, đóng đủ 20 năm mà chờ đến 60 tuổi nữ 62 tuổi nam quá lâu. 20 tuổi đóng đến 40 tuổi đủ 20 năm nhận lương hưu, vừa làm công ăn lương và lãnh lương hưu mới hấp dẫn người tham gia BHXH". Bạn đọc tên Yến đồng tình với đề xuất cứ đóng đủ năm thì được hưởng lương hưu mà không chờ đủ tuổi hưu là nam 62 nữ 60. Một số bạn đọc cho rằng điều quan trọng nhất là khi đã đóng đủ thời gian tối thiểu mà NLĐ nghỉ việc hoặc có nhu cầu nghỉ thì nên giải quyết chế độ, chứ giảm thời gian đóng BHXH là không đúng với nguyện vọng đa số NLĐ.
Nhiều bạn đọc đề xuất BHXH nên xem xét một số vấn đề: "1.Bỏ quy định trừ tỉ lệ % đối với người lao động tham gia BHXH phải nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động hoặc bị mất việc làm vì lý do khách quan. Vì BHXH đã thực hiện nguyên tắc đóng hưởng rồi. 2.Thống nhất một phương án tính lương hưu cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, không phân biệt người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và người hưởng lương từ chủ sử dụng lao động. Nên lấy mức tiền lương tham gia BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ làm căn cứ tính lương hưu. 3. Cần xây dựng chính sách hưu trí đa tầng để áp dụng cho từng đối tượng tham gia BHXH để phù hợp với điều kiện làm việc, môi trường làm việc.
Bạn đọc tên Thiên đề xuất: "Luật BHXH nên tính đến các phương án rủi ro và khó khăn nhất của NLĐ để xây dựng luật chứ đừng nên chỉ nghĩ đến việc ai cũng ổn định cuộc sống, ai cũng thảnh thơi khi về già để chờ lương hưu. Thời gian để chờ nhận lương hưu nó như thế nào, khó khăn ra sao cần được tháo gỡ. Không thể làm theo kiểu "Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó".Bạn đọc Trần Minh Vọng đề xuất: "Theo tôi khi đã đóng đủ năm BHXH theo quy định thì giải quyết cho họ nghỉ hưu luôn nếu họ có nhu cầu mà không đợi đến tuổi nghỉ hưu. Như vậy NLĐ sẽ bớt khó khăn hơn".
Rất ít công nhân làm việc đến tuổi nghỉ hưu
Bạn đọc Nguyễn Vũ Dương chia sẻ: "Mức tính lương BXHH ở khu vực ngoài quốc doanh rất thấp, hầu hết công ty ty chỉ đóng cho công nhân phổ thông ở mức tối thiểu. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ sử dụng lao động trẻ, do vậy ít ai có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Tương tự, bạn đọc Hoàng Long phân tích: "Đơn giản là cách tính bảo hiểm bây giờ công nhân họ chẳng thấy có gì hấp dẫn, họ rút một lần là phải rồi. Thời gian đóng thì dài, tuổi hưởng lương hưu thì cao nên công nhân họ chẳng hứng thú đợi và quyết định rút BHXH một lần".
Bình luận (0)