Giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia là 5-6%/năm. Trong đó, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi. Gần 91% người rút BHXH một lần làm việc tại khu vực ngoài nhà nước.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Đề cập đến nguyên nhân NLĐ nhận BHXH một lần, một bạn đọc tên Hiểu bày tỏ: "Ai cũng vì cơm áo gạo tiền cả thôi, khi ở bất cứ ngành nghề nào, nhưng mà làm công nhân hết sức vất vả, nào là vì đủ thứ khoản kể cả từ tiền rác cho đến nuôi con như bao người khác. Họ cảm thấy không còn chỗ nào bấu víu vào đâu được khi thất nghiệp, thì đành rút thôi. Đấy là số tiền của họ mà, phải cứu lấy cái bụng khi nó đói, đơn giản vậy thôi".
Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa có công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB- XH) đề nghị nghiên cứu sửa luật BHXH theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động. Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ LĐ-TB- XH bổ sung, giải trình một số nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong đó, đáng chú ý cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ nguyên nhân nhân rút hưởng BHXH một lần, trong đó có việc lao động chưa tin tưởng sự bảo toàn, phát triển bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Theo nhiều bạn đọc, ai cũng muốn về già có lương hưu nhưng chế độ cần hấp dẫn để người lao động ở lại với hệ thống BHXH. Bạn đọc Công Nguyên bày tỏ: "Người sử dụng lao động thường đóng BHXH cho người lao động ở mức lương thấp nhất để giảm bớt số tiền đóng góp cho ngành BHXH, nên khi nghỉ hưu lương hưu quá thấp đấy cũng là một trong những lý do NLĐ rút BHXH một lần". Cùng góc nhìn, bạn đọc Phượng Nguyễn dẫn chứng: "Tôi năm nay 43 tuổi và có 19 năm đóng BHXH. Nếu nằm trong diện cắt giảm lao động thì tôi làm gì để sinh sống mà chờ đến 62 tuổi lãnh hưu. Doanh nghiệp đóng BHXH trên nền lương tối thiểu vùng thì mức hưởng bình quân để hưu có được bao nhiêu?".
Một bạn đọc Vũ đặt câu hỏi: "Thử đi hỏi hết các công ty, có tuyển người lao động từ 35 tuổi trở lên hay không thì biết liền. Nói giảm năm đóng để ngưòi 45 đến 47 tuổi có cơ hội nhận lương hưu, đâu ra mà nhận, vì tuổi này đa số công ty muốn sa thải rồi. Người làm bảo hiểm lấy gì đảm bảo cho độ tuổi này xin được việc để tham gia BHXH, hãy nhìn thực tế rồi hãy đưa ra những chính sách cho phù hợp". Bạn đọc Nguyễn Trung bày tỏ: "Có cam kết hay quy định nào để doanh nghiệp tuyển dụng lao động lớn tuổi đi khắp cả KCN đâu đâu cũng chỉ tuyển từ 18 đến 35. Thử hỏi sang tuổi 40 khi mất việc kiếm đâu ra việc mới mà đóng bảo hiểm tới 60 hay 62 tuổi trong khi nghỉ hưu trước tuổi thì bị trừ mỗi năm 2%, có quá bất công không?"
Theo bạn đọc Lê Văn Quyền: "Người lao động tham giá BHXH là ước mơ khi mình không còn khả năng làm việc có chút ít tiền lương hưu để trang trải cuộc sống nhưng khi nghỉ trước tuổi quy định thì phải chờ đủ tuổi mới được hưởng dù đã đóng đủ số năm theo quy định.Vậy trong thời gian chờ đợi không có lương, không có việc làm (vì không có công ty, cơ quản nhà nước nào thuê, tuyển người ở độ tuổi 50) nên trong thời gian chờ đợi họ không còn gì để sống nên đành rút BHXH một lần để có chút ít tiền sinh sống qua ngày. Vì vậy theo cá nhân tôi BHXH cần có một khung quy định cụ thể người đóng đủ 35 theo quy định thì nghỉ hưu ở tuổi báo nhiêu cũng trả lương hưu 75% hàng tháng theo quy định. Còn những trường hợp khác như 20, 25,30 ...năm thì vẫn cấp lương hưu từng tháng theo tỉ lệ.
Với bạn đọc Dương Danh, bất cứ người nào đóng 30 năm BHXH mặc định nhận lương hưu không cần biết nam hay nữ và tuổi là bao nhiêu. "Cứ đóng đủ năm BHXH theo quy định thì NLĐ được quyền chọn nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc cũng là phương án khả thi nhằm hạn chế rút BHXH một lần"- Một bạn đọc tên Liêm đề xuất:
Bình luận (0)