Theo kết quả khảo sát, điều tra của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại 131.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước và báo cáo của 59 tỉnh, thành về ảnh hưởng của dịch Covid-19, có gần 85% DN đã bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực, trong đó các DN quy mô lớn và vừa phải chịu tổn thương nhiều nhất. Để hạn chế tác động từ dịch, nhiều DN đã buộc phải thay đổi chiến lược nhân sự theo hướng không chỉ để tồn tại mà tính đến tương lai phát triển lâu dài.
Hạn chế tinh giản nhân sự
Bà Phan Thị Thu Hương, Giám đốc Nhân sự cấp cao Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (KCN Amata; TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cho biết đến thời điểm này, kịch bản cho các tình huống đều được DN tính đến và mục tiêu xuyên suốt của các phương án là hạn chế tối đa việc cắt giảm lao động. "Từ đầu năm đến nay, tình hình đơn hàng của công ty khá ổn. Theo kế hoạch, nhiều dự án đang chuyển giao về Việt Nam nên chắc chắn đơn hàng dồi dào trở lại và nhà máy sẽ mở rộng quy mô. Vì thế, để bảo đảm nâng cao hiệu suất sản xuất sau dịch, công ty đang triển khai các chương trình đào tạo tại chỗ, trong đó chú trọng huấn luyện kỹ năng cho công nhân (CN) kỹ thuật" - bà Hương thông tin.
Thay vì cắt giảm lao động, nhiều doanh nghiệp nỗ lực ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau khoảng một tháng giảm hiệu suất công việc để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, Tổng Công ty Thép Việt Nam đang dần hồi phục chuỗi sản xuất kinh doanh. Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT, tổng công ty chưa có xáo trộn lớn về bộ máy, nhân sự nhưng chắc chắn sẽ xem xét, tìm hướng sắp xếp phù hợp hơn. "Dịch Covid-19 tuy không khiến công ty gặp khó khăn quá lớn nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại cần khắc phục, trong đó có những vấn đề chưa hợp lý về phương thức hoạt động, con người, bộ máy. Chúng tôi hạn chế tối đa tinh giản nhân sự, cắt hợp đồng lao động nhưng những vị trí nhân viên không cần thiết có thể được xem xét cắt bớt, chú trọng đào tạo lại nhân lực phù hợp với tình hình mới, chuyển đổi vị trí, thiết kế lại bộ máy cho hợp lý hơn, bởi sau dịch là thời điểm DN sẽ gặp không ít khó khăn" - ông Đa chia sẻ. Bên cạnh cân nhắc cắt giảm nhân sự, ông Đa cho rằng việc quan trọng nhất là thay đổi phương thức hoạt động, tận dụng tối đa công nghệ. Chẳng hạn, việc họp trực tuyến trong thời gian chống dịch đã tỏ ra khá hiệu quả nên DN sẽ duy trì và tăng cường phương thức này trong thời gian tới. Các ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ cũng sẽ được tận dụng nhiều hơn để thay thế sức lao động của con người.
Vận động người lao động chia sẻ khó khăn
Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết thông điệp được tổng giám đốc đưa ra ngay từ đầu mùa dịch là cố gắng duy trì công ăn việc làm ổn định cho tất cả cán bộ, công nhân viên; bảo đảm hiệu suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, DN vẫn duy trì bộ máy nhân sự như trước và chuyển sang điều phối làm việc tại nhà. "Trước khi xảy ra dịch Covid-19, bộ máy nhân sự của công ty đã được tinh giản triệt để, song song với ứng dụng tối đa khoa học kỹ thuật và công nghệ. Bởi thế, khi đối mặt với đại dịch, công ty hầu như không còn vị trí nào dư thừa, không cần thiết để phải cắt giảm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục thay đổi cách thức hoạt động, sắp xếp lại công việc để phù hợp hơn với tình hình mới" - đại diện Vinamilk thông tin.
DN dẫn đầu ngành sữa này cũng cho hay việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ đã được DN thực hiện tốt từ trước đây, song sẽ tăng cường hơn sau dịch. Vinamilk nhận định dịch Covid-19 là cơ hội để thay đổi một số quy trình làm việc, cắt bỏ những hoạt động rườm rà, không cần thiết, tăng cường họp và điều hành trực tuyến. "Thông thường, những DN quy mô nhỏ muốn đạt tốc độ phát triển nhanh thì phải tuyển lượng lớn nhân sự và có nguy cơ phải cắt giảm khi đối mặt với đại dịch. Còn DN đã phát triển ổn định với bộ máy vững vàng như Vinamilk, cắt giảm nhân sự không phải là vấn đề lớn mà quan trọng là sắp xếp bộ máy cho hợp lý hơn" - đại diện Vinamilk nêu quan điểm.
Giám đốc nhân sự vùng Đông Nam Á của một công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại TP HCM nhận định khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 mang lại cho các DN có thể kéo dài đến năm sau. Theo vị này, để nắm bắt cơ hội khôi phục sản xuất sau khi dịch bệnh chấm dứt, điều cốt lõi là phải ổn định được lực lượng lao động. Do vậy, dù khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng hết mức để duy trì công ăn việc làm và trả lương đầy đủ cho CN để họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh, việc làm sao để tránh cắt giảm lao động trong khi vẫn phải bảo đảm tối thiểu chi phí vận hành là bài toán khó đối với DN. Để hóa giải khó khăn đó, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như: giảm giờ làm và giảm lương ở những khâu ít việc; vận động đội ngũ cán bộ quản lý giảm lương từ 10%-20% và để san sẻ khó khăn với những lao động phải tạm ngừng việc, có hoàn cảnh khó khăn. "Được thông tin đầy đủ về khó khăn của DN, 1.700 lao động trên toàn cầu đồng thuận với các phương án cắt giảm chi phí, kể cả giảm lương, giảm giờ làm để sẻ chia khó khăn với đồng nghiệp và DN vì cho đó là việc làm nhân văn" - vị giám đốc nhân sự này cho hay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-5
Không nên ngoảnh mặt với người lao động
Ông L.Q.Đ, giám đốc nhân sự cấp cao của một công ty sản xuất bia tại Việt Nam, cho rằng dịch bệnh chỉ mang tính chất tạm thời, trong tương lai DN vẫn cần người lao động nên không thể ngoảnh mặt với họ khi khó khăn. Do vậy, mục tiêu của công ty hiện nay cũng là duy trì nguồn lực tốt nhất có thể có, tận dụng tối đa mọi cơ hội để hồi phục nhanh chóng và tiếp tục phát triển. Công ty ông Đ. hiện có khoảng 9.000 lao động, trong đó 3.400 CN trực tiếp sản xuất, 3.500 nhân viên tiếp thị và lao động thời vụ. Dịch bệnh khiến doanh thu giảm đáng kể nhưng công ty vẫn cố gắng bảo toàn lực lượng lao động này. Trong thời gian đội ngũ nhân viên tiếp thị, lao động thời vụ phải tạm thời ngừng việc do dịch bệnh, công ty vẫn duy trì việc trả lương cho họ. Ngoài ra, công ty vận động bộ phận quản lý, lao động gián tiếp chia sẻ một phần thu nhập để hỗ trợ thêm cho các trường hợp khó khăn. "Ở tình huống xấu nhất, chúng tôi vẫn cố gắng tính toán để trả cho người lao động một khoản thu nhập đủ bảo đảm cuộc sống ở mức tối thiểu" - ông Đ. khẳng định.
Bình luận (0)