Trong năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực đưa khoảng 110.000 lao động nước ngoài vào làm việc tại các trang trại và nhà máy, tăng 41.000 lao động so với năm 2022. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Liên đoàn Doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, khoảng 40% DN vừa và nhỏ cho biết con số trên là không đủ.
Nhiều bộ ngành vào cuộc
Mới đây, Hàn Quốc bắt đầu có nhiều chính sách thu hút lao động nước ngoài như tăng hạn mức tiếp nhận, ngành nghề, thời gian làm việc, lương và các chế độ đãi ngộ.
Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố sẽ triển khai các biện pháp thống nhất hoạt động quản lý lao động nước ngoài. Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc có nhiệm vụ giám sát lực lượng lao động không chuyên làm việc ở các DN vừa và nhỏ, Bộ Nông nghiệp và các chính quyền địa phương quản lý lao động thời vụ làm việc tại các trang trại, trong khi đó Bộ Đại dương quản lý lao động nước ngoài làm việc trên biển.
Trước đó, Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố phương án cải thiện chế độ thị thực để đẩy mạnh tiếp nhận lao động nước ngoài. Theo phương án này, Hàn Quốc sẽ nâng hạn ngạch chuyển đổi sang visa lao động lành nghề (E-7-4), đang ở mức 5.000 người lên 35.000 người. Đồng thời sẽ xem xét mở rộng hạn ngạch cho lao động phổ thông người nước ngoài với thị thực E-9 và bổ sung các ngành được phép. Hàn Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ nâng cao thu nhập cho thủy thủ đoàn tàu viễn dương và tàu đánh cá biển sâu bằng cách miễn thuế thu nhập, nới rộng thời gian nghỉ phép có lương.
Lao động Việt Nam theo chương trình EPS nhập cảnh vào Hàn Quốc
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cũng đã trình Chính phủ kế hoạch tăng hạn ngạch lao động nước ngoài được cấp trong năm 2023 từ 10.000 lao động lên 120.000 người, chủ yếu tập trung cho loại visa E-9. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã quyết định giảm số lượng các ngành bị hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài, đồng thời chuẩn bị kế hoạch cho phép sử dụng lao động nước ngoài trong các ngành đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng như du lịch và lưu trú, khách sạn, nhà hàng…
Đối với các cơ sở sản xuất, lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ được ở lại Hàn Quốc tới 10 năm mà không cần làm thủ tục xuất cảnh rồi quay trở lại. Lao động thời vụ cũng chính thức được tăng thời gian làm việc lên đến 8 tháng và có thể được chủ mời sang làm việc liên tục hằng năm nếu làm việc hiệu quả.
Tiếp tục tăng tiếp nhận
Trong buổi tiếp tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung khẳng định hợp tác về lao động, việc làm giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một trong những điểm nhấn quan trọng. Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác trung, dài hạn, tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Trao đổi về chương trình EPS, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá chương trình được triển khai công bằng, khách quan, minh bạch và hiệu quả. Từ đó, mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho NLĐ Việt Nam, cũng như góp phần vào sự phát triển của các DN Hàn Quốc. Theo đề nghị của Việt Nam, trong năm 2023, phía Hàn Quốc đã cấp chỉ tiêu gấp 5 lần cho lao động Việt Nam theo chương trình EPS so với năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết thời gian gần đây, NLĐ Việt Nam có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc rất lớn. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS trong thời gian tới. Đồng thời, mở rộng các ngành nghề tiếp nhận mới mà phía Hàn Quốc đang có nhu cầu như: lao động kỹ thuật lành nghề, điều dưỡng, công nghệ thông tin, nhà hàng - khách sạn, du lịch...; mở rộng tiếp nhận lao động thời vụ, lao động kỹ thuật lành nghề và tạo cơ hội cho người có kinh nghiệm quay trở lại sau khi hết hạn hợp đồng.
Tân Đại sứ Choi Young Sam cho biết Hàn Quốc hiện thiếu hụt nhân lực trong nhiều ngành nghề, nhất là trong các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, đóng tàu, công nghệ thông tin, nông nghiệp chăn nuôi, thu hoạch rau quả, thủy sản đánh bắt cá, du lịch, dịch vụ bán lẻ, điều dưỡng, giúp việc nhà… Đại sứ khẳng định sẽ sớm đề xuất lên Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở rộng thêm ngành nghề để tạo việc làm cho lao động nước ngoài. "Về chương trình lao động thời vụ visa E8, chúng tôi đang nỗ lực kết nối với các địa phương. Chắc chắn thời gian tới chương trình này sẽ được mở rộng hơn nữa" - Đại sứ Choi Young Sam nói.
Làm thời vụ lương 38 triệu đồng/tháng
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bạc Liêu vừa ký thỏa thuận hợp tác đưa 100 lao động từ 25-50 tuổi sang làm thời vụ 5-8 tháng tại tỉnh Jeolla-do và Gyeongsang-do (Hàn Quốc). NLĐ sẽ làm các công việc liên quan đến nông nghiệp như trồng trọt, thu hoạch nông sản với mức thu nhập khoảng 38 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)