Ngày 6-9, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 22 theo hình thức trực tuyến. Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì.
Đa dạng hoạt động chăm lo
Theo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 (kể từ ngày 27-4) diễn biến phức tạp, đã trực tiếp xâm nhập công nhân (CN), nhất là một số KCN, ảnh hưởng nặng đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), việc làm, đời sống, thu nhập, an toàn, sức khỏe của người lao động (NLĐ).
Báo cáo của các cấp Công đoàn (CĐ), tính đến ngày 1-9, đã có 39.361 ca nhiễm là CNVC-LDĐ tại địa bàn 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 104 CN tử vong; gần 2 triệu CN phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do DN tạm dừng hoạt động hoặc do NLĐ bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, các cấp CĐ cả nước đã nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan chức năng phòng, chống dịch, duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đại diện LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM (bìa phải), tặng quà cho công nhân ở trọ khó khăn. Ảnh: CAO HƯỜNG
Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ NLĐ khỏi những tác động của dịch Covid-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các cấp CĐ tích cực vào cuộc để động viên, thăm hỏi và tặng quà cho CN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là CN khó khăn do mất, giảm việc làm, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ). Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 23-8, CĐ các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính CĐ và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 3.950 tỉ đồng.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với đoàn viên, NLĐ, các cấp CĐ trong cả nước đã có nhiều hoạt động nổi bật, sáng tạo, bám sát tình hình thực tiễn công tác phòng chống dịch ở địa bàn để chăm lo cho đoàn viên và NLĐ. Tiêu biểu như các mô hình: "Siêu thị 0 đồng", "Xe buýt 0 đồng", "ATM gạo miễn phí", gói hỗ trợ dinh dưỡng, túi an sinh CĐ… Ngoài ra, các cấp CĐ còn vận động các chủ nhà trọ, các DN miễn, giảm tiền thuê phòng và hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho CN tại khu nhà trọ bị phong tỏa, cách ly.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua đặc biệt: "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, sáng cùng ngày, Tổng LĐLĐ tổ chức lễ phát động phong trào thi đua "CNVC-LĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" trong toàn hệ thống CĐ. Phong trào thi đua được tổ chức từ ngày 1-9 đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong phạm vi toàn quốc.
Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh việc tổ chức phong trào thi đua nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó của dân tộc, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ Việt Nam đồng hành với Chính phủ, DN và cả nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị cán bộ, đoàn viên, NLĐ, các cấp CĐ cả nước tập trung tuyên truyền trong CNVC-LĐ và các cấp CĐ các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phòng chống dịch; về truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước của dân tộc; về hành động có trách nhiệm của công dân vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm "ai ở đâu, ở yên đó" ở những nơi giãn cách xã hội. Các cấp CĐ phải thấm nhuần phương châm hành động: "Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ là một chiến sĩ", "Mỗi CĐ cơ sở là một pháo đài, là mái nhà bình yên", "Tất cả vì đoàn viên, người lao động". Ngoài ra, các cấp CĐ cần có các hình thức sáng tạo, huy động nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, CNVC-LĐ khó khăn; tăng cường phát huy các mô hình có hiệu quả như: "Tổ an toàn Covid-19", "Siêu thị 0 đồng", "Phiên chợ 0 đồng", "Nhà trọ 0 đồng, "ATM gạo miễn phí", "Nghĩa tình CĐ", "Bếp ăn nghĩa tình"…
Ông Nguyễn Đình Khang cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, triệu người như một, đồng cam cộng khổ, trách nhiệm hơn, nỗ lực, tận tâm hơn nữa, vượt mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi sản xuất.
Xây dựng vùng xanh an toàn sản xuất
Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy khẳng định quyết tâm cao của đội ngũ CNVC-LĐ, cán bộ CĐ thành phố đồng lòng với chính quyền thành phố và cả nước sớm kiểm soát và chiến thắng đại dịch Covid-19 để khôi phục sản xuất bảo đảm đời sống, việc làm cho NLĐ. Bà Thúy cho biết các cấp CĐ thành phố sẽ chủ động phối hợp DN xây dựng kế hoạch, phương án, cơ sở vật chất chuẩn bị trở lại khôi phục sản xuất; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua trong lao động sản xuất, phòng chống dịch Covid-19 tại DN với chủ đề "Xây dựng vùng xanh an toàn sản xuất - an toàn phòng dịch"; các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội "Mỗi đoàn viên CĐ là một tình nguyện viên - Mỗi CĐ cơ sở là một chương trình tình nguyện".
Bên cạnh đó, các cấp CĐ thành phố sẽ phát huy và nhân rộng các mô hình: túi thuốc cho F0; suất cơm nghĩa tình CĐ hỗ trợ các hộ khó khăn, lực lượng phòng chống dịch; đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà cho đoàn viên, NLĐ; đường dây nóng "An sinh CĐ"; đi chợ hộ đoàn viên; "Ôxy trao tay, tâm hồn rộng mở", "Câu lạc bộ chủ nhà trọ miễn, giá thuê trọ"...
Bình luận (0)